Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu
Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Lợi cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, vận động; cần hướng tới mục tiêu phấn đấu 90% người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt trong đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên của các cơ quan, đơn vị nhà nước gương mẫu đi đầu.
Ông Nguyễn Đình Lợi (giữa) và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo MTTQ tỉnh Bắc Ninh trong một dịp khảo sát hàng Việt tại siêu thị Dabaco, Từ Sơn.
PV: Xin ông cho biết kết quả nổi bật 10 năm thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh?
Ông Nguyễn Đình Lợi: Sau 10 năm thực hiện, CVĐ không chỉ thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp (DN) trong nước, trong tỉnh mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì phát triển kinh tế . Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, liên tục của Ban Chỉ đạo CVĐ, phải kể đến sự đóng góp tích cực của các DN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt năm 2018, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần truyền thông và tổ chức sự kiện Hà Nội tổ chức Hội chợ với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Bắc Ninh” có quy mô trên 380 gian hàng gồm các mặt hàng của các DN, làng nghề truyền thống. Hội chợ thu hút 10 vạn lượt khách tham quan, mua sắm. Doanh số bán hàng đạt trên 15 tỷ đồng.
Ông có thể cho biết, nhận thức của người dân Bắc Ninh đã thay đổi như thế nào khi thực hiện CVĐ này?
- CVĐ có sự lan tỏa trong các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân, từng bước tạo cho người dân có những nhận thức và thói quen khi đi mua sắm hàng nội có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đồng thời cũng tạo cho các DN sản xuất hàng tiêu dùng có sức cạnh tranh cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Cụ thể, các hoạt động hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm nội được các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo và đưa vào chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thu hút được hàng vạn người tham gia mua sắm, tạo cơ hội và thói quen cho người dân khi đi mua sắm hàng tiêu dùng, từng bước tạo dư luận tốt trong các tầng lớp nhân dân đối với CVĐ. Theo khảo sát được Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Bắc Ninh thực hiện, hàng Việt hiện chiếm hơn 80% số lượng hàng bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các cửa hàng tự chọn trong tỉnh. Trên 75% người dân Bắc Ninh tin tưởng lựa chọn và sử dụng hàng Việt cho nhu cầu mua sắm của mình.
Vậy trong quá trình thực hiện, CVĐ trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những hạn chế gì, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thừa nhận, thời gian qua công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hàng Việt có chất lượng cao, giá thành hợp lý vẫn chưa được nhiều; các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền về CVĐ còn ít, xây dựng chuyên mục nội dung còn nghèo, công tác tuyên truyền vẫn còn tính một chiều, chưa có những hoạt động tuyên truyền tập trung và quy mô lớn. Trong khi đó, công tác phối hợp chỉ đạo của các ngành chức năng để đưa hàng nội về phục vụ bà con nông dân còn ít, chưa có chương trình kế hoạch cụ thể. Một số mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái lưu hành trên thị trường. Công tác thông tin, báo cáo kết quả thực hiện CVĐ của một số đơn vị thành viên chưa coi trọng, chất lượng báo cáo còn hạn chế, chưa phản ánh chưa đầy đủ, kịp thời về Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh. Từ những hạn chế trên đã tác động tới kết quả chung của CVĐ trên địa bàn tỉnh.
Vậy trọng tâm hoạt động khi triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Mục tiêu của chúng tôi là 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công. Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục, định kỳ tuyên truyền lồng ghép trong nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 100% MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên tuyên truyền về CVĐ và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng CVĐ. Các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Trân trọng cảm ơn ông!