Hệ lụy từ chế biến, xuất khẩu dăm gỗ
Quảng Trị đang có 25 cơ sở chế biến dăm gỗ, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng nở rộ các cơ sở chế biến dăm gỗ, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngoài những tác động không tích cực đối với môi trường, đời sống dân sinh; lợi ích thực tế của các cơ sở chế biến dăm gỗ đối với địa phương và Nhà nước là không đáng kể.
Bãi tập kết dăm gỗ của một cơ sở chế biến trên địa bàn xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Ảnh Bình Nguyên.
Có một nghịch lý là phần lớn số lượng dăm gỗ ở Quảng Trị trước khi xuất bán sang Trung Quốc lại được chở sang Lào, tập kết tại một cơ sở thu mua, sản xuất bột giấy do người Trung Quốc làm chủ. Từ đây, sản phẩm dăm gỗ được vận chuyển quay trở lại Việt Nam, qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, theo QL 9 ra cảng Cửa Việt rồi mới xuống tàu sang Trung Quốc. Lượng dăm gỗ còn lại được các chủ cơ sở tập kết tại cảng Hợp Thịnh (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc. Dăm gỗ xuất bán trực tiếp bằng đường biển giá cao hơn với xuất bán bằng đường bộ, (chênh lệch từ 20 đến 23 USD/ tấn khô) nhưng hầu hết cơ sở chế biến dăm gỗ ở Quảng Trị chọn cách vận chuyển sang Lào, quay lại Việt Nam rồi mới ra cảng, xuống tàu ra nước ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các cơ sở chế biến ở Quảng Trị chấp nhận chở ngược dăm gỗ sang Lào sau đó mới quay lại tập kết ở cảng Cửa Việt (với độ dài hơn 300 km, tiêu tốn nhiều nhiên liệu) là do cơ sở của người Trung Quốc đặt tại Lào rất dễ dãi trong thu mua. Theo quy định, dăm gỗ phải đảm bảo độ khô tối đa 9 độ nhưng cơ sở thu mua đặt tại Lào mua cả dăm gỗ lên đến 12 độ (chưa khô hẳn hoặc ẩm ướt). Các tiêu chuẩn khác như quy cách dăm gỗ (độ dày, mỏng, dài, rộng, độ mùn của dăm, chứng chỉ rừng trồng - FSC) được nước nhập khẩu trực tiếp kiểm tra chặt chẽ nhưng cơ sở thu mua bên Lào lại dễ dàng bỏ qua. Đây là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài ở Quảng Trị. Giá thu mua dăm gỗ tăng cao đột biến khiến người trồng rừng sẵn sàng bán cả những diện tích rừng chưa đủ tuổi khai thác. Việc dễ dãi trong kiểm tra chỉ số FSC về nguồn gốc rừng trồng cũng là nguy cơ dẫn tới tình trạng phá rừng, khai thác trái phép rừng tự nhiên phòng hộ và cả rừng tại các Khu bảo tồn thiên nhiên.
Tình trạng lách luật, đặt cơ sở thu mua trên đất Lào, dễ dãi trong thu mua, là nguyên nhân chủ yếu khiến cơ sở chế biến dăm gỗ mọc lên như nấm sau mưa ở Quảng Trị từ đầu năm 2018 đến nay. Theo thống kê của Sở Công thương Quảng Trị, địa phương này hiện có 25 cơ sở chế biến dăm gỗ nhưng chỉ có chưa đến 1/2 cơ sở hoạt động đúng pháp luật, còn lại là hoạt động chui. Ngoài việc không đáp ứng được các quy định, chính sách, bảo hiểm cho người lao động; các cơ sở chế biến chui luôn là địa chỉ mất an toàn cao về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.
Tình trạng ồ ạt xuất bán dăm gỗ theo đường bộ còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên tuyến QL 9. Theo thống kê của cơ quan chức năng Quảng Trị, năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, tuyến QL9 xảy ra trên 10 vụ TNGT nghiêm trọng do xe container chở dăm gỗ gây ra, làm nhiều người chết và bị thương.
Về tình trạng bùng phát cơ sở chế biến dăm gỗ ở địa phương, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Lợi ích kinh tế mà những cơ sở chế biến dăm gỗ (có phép và không phép) đối với địa phương và ngân sách nhà nước là không đáng kể. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dăm gỗ (có phép) được Nhà nước hoàn thuế 100% đối với thuế VAT; các khoản thuế còn lại phải nộp như thuế xuất khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp là chỉ 2% và 20% trên tổng lợi nhuận.