Cần Thơ: Tình hình sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, tình hình sạt lở đang diễn biến trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp…
Tình trạng sạt lở bờ sông TP Cần Thơ ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngày 29/5, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố năm 2018 và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2019.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, từ năm 2018 đến nay, thiên tai gây thiệt hại hơn 38 tỉ đồng. Trong đó, năm 2018 đã xảy ra 24 đợt lốc xoáy, 18 điểm sạt lở bờ sông, với tổng thiệt hại hơn 37 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, thành phố đã ghi nhận 7 điểm sạt lở và 3 đợt lốc xoáy, thiệt hại ước tính hơn 1,2 tỷ đồng.
Các địa phương nhận định, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ảnh hưởng trức tiếp đến cuộc sống của người dân, những tháng đầu năm nay sạt lở đã làm trôi sông 4 căn nhà và 1 căn bị ảnh hưởng trên địa bàn của huyện Vĩnh Thạnh. Đặc biệt tại quận Ô Môn đang thi công bờ kè chống sạt lở trên sông Ô Môn sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến 11 căn nhà và công trình đang thi công.
Theo nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ tình hình thời tiết, mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, các địa phương cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, dông lốc, triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt một số tuyến đường của thành phố và hoa màu ở những vùng có nguy cơ ngập lụt vào những tháng cuối mùa mưa. Bên cạnh đó, theo dự báo mực nước triều sẽ vượt mức báo động 3 trên sông Hậu và xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10 năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần xây dựng phương hướng nhiệm vụ của từng địa phương, đặc biệt tình hình sạt lở đang diễn biến trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để góp phần ổn định đời sống của người dân. Kiên quyết di dời dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽ dòng chảy…
UBND các quận, huyện rà soát hoàn chỉnh kế hoạch phương án đối phó với thiên tai theo cấp độ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đồng thời thực hiện chủ động ứng phó và nhanh chóng khắc phục theo phương châm 3 sẵn sàng 4 tại chỗ. Ủy ban các địa phương chủ động rà soát, cập nhật những khu vực xung yếu những nơi nguy hiểm xảy ra bão, lũ và đặc biệt chú ý các công trình công cộng để chúng ta kịp thời chủ động để hạn chế thấp nhất gây ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai.