Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ kêu cứu
Cụm di tích Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1996. Trải qua thời gian, khu di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cổng tam quan của khu di tích Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ đang xuống cấp.
Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ còn có tên nôm là Cầu Cậy. Vốn là Thái ấp nhà Trần ban cho Nguyễn Chế Nghĩa (thế kỷ XIII) -Tùy tướng của Phạm Ngũ Lão. Trước năm 1945 là xã Kiêu Kỵ, tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Sau là thôn thuộc xã Tân Hưng. Năm 1965 đổi lại là xã Kiêu Kỵ. Làng thờ nàng Quốc, tướng của Hai Bà Trưng và Nguyễn Chế Nghĩa.
Cuối thế kỷ XIX có trường chữ Nho của Nguyễn Quý Trị gọi là tràng Kiêu Kỵ. Kiêu Kỵ là làng cổ có 2 nghề thủ công truyền thống là dát vàng và làm mực Nho bằng keo da trâu. Đây cũng là nơi đang thờ bài vị của Tổ nghề dát vàng bạc – Tiến sĩ Nguyễn Đức Trinh. Trong một lần đi sứ Trung Quốc, ông đã học được ở Yên Kinh nghề dát vàng, bạc, còn gọi là nghề làm bạc quỳ, vàng quỳ đem về truyền lại cho dân làng. Đây là một nghề độc đáo, truyền thống nổi tiếng của người Kiêu Kỵ.
Nghệ thuật kiến trúc của khu Di tích Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ vừa giản dị, khoáng đạt, vừa mang tính chất dân tộc đậm đà. Đặc biệt, các di vật trong Đình, Đền hiện còn 32 đạo sắc phong, sớm nhất là sắc Đức Long 1, đời Lê Thần Tông (1629), 3 cỗ kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII, XIX, khám thờ, sập thờ, hương án, hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ tự khác… Đình - đền - chùa Kiêu Kỵ đã được công nhận là Di tích Lịch sử -Văn hoá năm 1996.
Bước vào không gian của ngôi chùa thực sự rất im ắng. Chỉ có tiếng tụng kinh của sư thầy và các phật tử cứ vang mãi lên thinh không, khiến cụm di tích ngày càng trở nên vắng lặng. Các cấu kiện gỗ bị mối mọt xông gần hết. Có chỗ như nứt vỡ, có chỗ các vỉ kèo bị sụp xuống, nhìn cảnh tưởng đó khiến ai cũng phải cảm thẩy nuối tiếc, xót xa.
Sư thầy Thích Đàm Khuê nói: “Trước nguy cơ ngôi chùa có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào, thầy mới đứng ra vận động các cơ quan, đoàn thể, huy động sức mạnh đoàn kết của các phật tử những mong cứu vãn tình thế nguy cấp của cụm di tích, nhưng sức thầy cũng chỉ có hạn”.
Ngày ngày sống một mình trong chùa, đêm đêm tụng kinh, nghe tiếng nước mưa rột ngoài hiên, ngập cả trong hậu cung mà thầy buồn không xiết. Không thể để ngôi cổ tự rơi vào quên lãng, vào năm 2017-2018, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa, Trụ trì chùa cùng chính quyền địa phương, nhân dân xã Kiêu Kỵ và khách thập phương đã quyên góp xây dựng, tu tạo phần thờ Tam Bảo tương đối khang trang với kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng-một phật tử tại gia tâm sự: “Chúng tôi hoang mang và lo lắng quá. Ngày ngày nhìn ngôi đình, chùa bị xuống cấp, mà thấy xót xa. Ngày nắng không nói làm gì, chứ ngày mưa thì khổ lắm. Có hôm, đêm 12h, có mưa lớn, chúng tôi ai lấy đều đầu đội nón lũ lượt chạy ra đình để xem có bị ngập không. Mưa lớn làm mục ruỗng nhiều chân cột, hỏng nhiều cấu kiện, nền chùa thấp nước ngập vào trong tận hậu cung. Để khắc phục chúng tôi chỉ biết thi nhau dùng xô chậu tát nước chống ngập, thậm chí chỉ dùng những tấm bạt tận dụng để che cho mái, nhưng cũng chỉ được một thời gian, bạt rách lỗ chỗ, nước mưa vẫn cứ thế tuôn xối xả vào trong khu đền. Chúng tôi bất lực rồi, chỉ mong cán bộ địa phương, những nhà chức trách quản lý văn hóa sớm nghiên cứu, khảo sát để có phương án trùng tu tôn tạo, chứ để một công trình văn hóa tâm linh chứ đựng nhiều giá trị như thế xuống cấp, thực sự chúng tôi rất đau lòng”.
Cũng theo lời sư trụ trì Thích Đàm Khuê cho biết: Mới đây nhà chùa vừa phải cho phá dỡ hoàn toàn khu vực nhà thờ Tổ do một phần mái và tường của công trình này bị sập trong một trận mưa lớn đầu năm 2019. Ngoài ra, hiện nay phần mái và tường của gian thời Mẫu và gian phòng khách đã bị xô lệch, nứt, vỡ. Để đảm bảo an toàn, tránh bị đổ sập nhà chùa tạm thời cho gia cố lại.
Mặc dù chùa Kiêu Kỵ có nhiều giá trị lịch sử và văn hóa; tuy nhiên chưa được quan tâm đúng mức trong việc trùng tu, sửa chữa nên nhiều năm qua nên việc xây dựng cổng Tam quan vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này đã vô tình khiến ngôi chùa càng thêm phần nhếch nhác hơn. Không chỉ có chùa Kiêu Kỵ mà quần thể đền và đình bên cạnh cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ghi nhận của chúng tôi tượng xập xệ, chắp ghép của quần thể di tích đang bị xuống cấp hàng ngày, hiện nay xung quanh chùa là một đại công trình xây dựng, xung quanh khu di tích không có tường rào ngăn cách nên ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nơi thờ tự. Điều đáng nói, công trình xây dựng đang được thi công ngay sát vách tường chùa Kiêu Kỵ, nếu không sớm có biện pháp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến giá trị kiến trúc của các công trình trong khu di tích này.