Thước đo chất lượng
Kết quả khảo sát gần 7.600 bệnh nhân tại 60 bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 do Bộ Y tế và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam phối hợp thực hiện cho thấy, gần 81% bệnh nhân hài lòng khi đến bệnh viện. Trong đó, yếu tố tạo sự hài lòng nhiều nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế (4,13/5), trong khi chi phí khám, chữa bệnh là yếu tố có mức độ hài lòng thấp nhất (3,78/5).
Đây là những con số vừa được Bộ Y tế công bố sáng 30/5 tại Hà Nội. Theo đó, chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 4,04/5 so với 3,98/5 năm 2017, tương ứng với mức hài lòng của người bệnh nội trú đạt mức 80,8%. Kết quả này được đánh giá là rất đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2018 số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn hai lần so với năm 2017.
Tuy nhiên, một băn khoăn cũng đang được đặt ra: Những số liệu khảo sát này liệu có phản ánh đúng và toàn cảnh về bức tranh y tế nước ta khi mới 60 bệnh viện tham gia đánh giá, so với hơn 1.400 bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước?
Cụ thể, trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng “rất tốt”, chiếm 21,7% số bệnh viện được khảo sát; 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng “tốt”, chiếm 43,3% còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%. So sánh với kết quả khảo sát gần 3.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện công năm 2017, chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2018 đã có sự cải thiện theo hướng tích cực. Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, gần một nửa người bệnh và gia đình được phỏng vấn cảm nhận mức độ chi trả thêm bằng tiền túi là ít (45%) trong khi 59% cho biết không phải trả thêm từ tiền túi do được quỹ BHYT chi trả toàn bộ.
Thực tế, phóng viên đã khảo sát nhanh tại BV E trong sáng 30/5, theo đó 5/5 người bệnh khi được hỏi đánh giá chất lượng tại bệnh viện đều cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh, thái độ y bác sĩ tại BV E đều tăng lên rất nhiều so với trước đây, và cho biết họ hài lòng với bệnh viện này. Một số bệnh nhân tại BV Phụ sản Trung ương khi được hỏi cũng tỏ vẻ hài lòng với chất lượng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những phản ánh không hài lòng về chất lượng bệnh viện mà chúng ta không thể bỏ qua.
Đơn cử như trường hợp của anh Long (Hải Phòng) đưa con lên bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh cho hay, ngày 28/5 vừa rồi anh phải bỏ ra 200.000 đồng để mua sổ khám bệnh và được đưa vào khám ngay - mặc dù theo lượt còn rất lâu mới tới lượt khám. Không ít người đã từng vào viện/hoặc đưa người nhà vào viện đều chia sẻ rằng, họ từng phải đưa “phong bì” thì việc khám/chữa mới nhanh hơn. Do đó, một vài số liệu được công bố của Bộ Y tế đang ít nhiều khiến người ta băn khoăn
Theo khảo sát này, có 9,5% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có chi phí ngoài cho nhân viên y tế, nhưng có tới 84,5% ý kiến cho rằng việc “cảm ơn” bác sĩ là thể hiện sự biết ơn chứ không phải để mong muốn có dịch vụ tốt hơn…Liệu điều này này có phản ánh đúng thực tế? Trong khi đa phần người dân coi việc đưa “phong bì” dù để thể hiện sự biết ơn hay để có dịch vụ tốt hơn vẫn là “luật bất thành văn” ở không ít cơ sở khám chữa bệnh hiện nay.
Bộ Y tế cho hay, khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và ngoại trú đã được tiến hành rộng rãi ở các bệnh viện từ năm 2015. Từ đó đến nay, khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh đã được các bệnh viện thực hiện tích cực hàng năm. Các ý kiến của người bệnh đã được lắng nghe, ghi nhận. Kết quả khảo sát tương đối phù hợp với chất lượng bệnh viện.
Dẫu cho 80,8% người được hỏi hài lòng với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh là một con số rất cao, và thực tế chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện của nước ta đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm vừa qua, song với 19,2% người được hỏi không hài lòng với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh cũng là một con số đáng phải suy ngẫm và không thể bỏ qua. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều những bất cập ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, cần được khắc phục càng sớm càng tốt.