Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/2019).
Quảng cảnh Lễ kỷ niệm.
Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cùng đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
1. Tại buổi lễ, các câu chuyện, tham luận tại lễ kỷ niệm đã đánh giá, tôn vinh những đóng góp nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tiếp nhận Huy Cận và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại.
GS Hà Minh Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn học nói: Huy Cận là quan chức cao cấp của Nhà nước lại nhà thơ lớn, tôi hỏi: Theo ông vị thế nào quan trọng? Huy Cận trả lời: “Trong danh thiếp tôi đề là Huy Cận – nhà thơ, bộ trưởng”… Trong cuộc sống ông sống giản dị từ cách ăn mặc có phần xuề xòa chan hòa vui vẻ với mọi người, không quan cách, kiểu cách. Ông nói vui: “Tôi không cần giao đãi”. Liên hệ giữa tập “Lửa thiêng” một tập thơ có tứ thơ thanh cao, có tình yêu say đắm, có thiên nhiên đẹp đẽ với tác giả bình dị, mộc mạc có phần như không hòa hợp. Có ý kiến nói vui là “Lửa thiêng” có thể không phải là của Huy Cận. Tôi nói lại ý đó với ông. Ông ngạc nhiên và tỏ ý bực tức nhưng khi hiểu ra thực chất của vấn đề ông cười xuề xòa. Ông ăn uống cũng dễ tính, thích ăn các món dân tộc. Có lần ông nói vui: “Trời phú cho tôi làm thơ vui và ăn ngon miệng”. Thơ ông hay và “Lửa thiêng” là tập thơ hoàn hảo. Ông trọng giá trị tinh thần một trí tuệ uyên bác hơn là cuộc sống lệ thuộc vật chất…
Còn với GS Phong Lê, Huy Cận là một trong những người có công đầu định hình gương mặt Thơ mới, và cũng là thơ Việt nói chung. Ở đỉnh cao và kết thúc của nó, một trong chiến thắng toàn diện và triệt để mọi hệ… thơ cũ. Thời viết xong “Lửa thiêng” (1940) và “Kinh cầu tự” (1942) là thời Huy Cận bắt đầu tham gia các phong trào thanh niên yêu nước, rồi nhanh chóng có đóng góp và có vị trí cao trong Mặt trận Việt Minh và Chính phủ lâm thời. Nhưng điều nói ở đây là tư cách nhà thơ, hơn nữa là người đứng đầu nền thơ Việt trước năm 1945. Một nền thơ có thành tựu đột xuất trên cả hai phương diện dân tộc và hiện đại, đáp ứng kịp các yêu cầu của thời hiện đại, rồi phải trải một chuyển đổi vất vả trong một thời gian dài, từ cái buồn đến cái vui, do những cập kênh giữa tư cách công dân với tư cách người nghệ sĩ. Thế nhưng, Huy Cận đến được với quần chúng và niềm vui trong “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958). Và đây là niềm vui thật sự, không gượng gạo, không phô diễn cùng lúc với nhiều bạn đương thời thơ mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh.
2. Nhà thơ Huy Cận sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học và truyền thống yêu nước ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, ông được gia đình cho ăn học bài bản, khi học hết bậc trung học và đậu tú tài Pháp thì ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông...
Từ năm 1936 – 1941, ông vừa học, vừa sáng tác thơ và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Hà Nội và đến năm 1942 thì tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh. Khi Cách mạng tháng Tám thành công ông lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng. Ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Khi mới 26 tuổi, ông làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ đó, ông liên tục giữ các trọng trách trong Chính phủ cho đến lúc nghỉ hưu như Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ; Bộ trưởng đặc trách Văn hóa - Thông tin...
Từng là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới, nhưng kể từ khi tiếp nhận ánh sáng của lý tưởng cộng sản, cuộc đời Huy Cận đã rẽ sang một bước ngoặt lịch sử mới. Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã trở nên đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình, ấm áp, tươi vui... Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà thơ Huy Cận từng đảm nhận các vị trí như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi; đồng Chủ tịch Đại hội Văn hóa toàn Thế giới; Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; Phó Chủ tịch tổ chức hợp tác văn hóa - kỹ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp (ACCP), thành viên Viện Hàn lâm thơ thế giới.
* Cũng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị Cù Huy Cận (Huy Cận), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III giới thiệu tới độc giả và các nhà nghiên cứu nguồn tài liệu lưu trữ về cuộc đời, hoạt động và những đóng góp của ông trên các lĩnh vực... Bên cạnh đó còn các tài liệu về cuộc đời của ông, tài liệu về sáng tác, nghiên cứu, gồm các tác phẩm thơ; truyện thơ như: tập thơ “Lửa thiêng”, xuất bản năm 1940, “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958); “Đất nở hoa” (1960); Kinh cầu tự (1942), Suy nghĩ về nghệ thuật (1980 - 1982), Suy nghĩ về bản sắc dân tộc (1994), các vùng văn hóa Việt Nam (1995).