‘Nhiều người ước mong kinh tế như ngày nay, tình cảm như ngày xưa’
Trước vấn đề: “kinh tế phát triển khá nhưng nền tảng văn hóa, tinh thần đã được chú ý quan tâm đúng mức chưa?”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhắc đến mong ước của nhiều người rằng, kinh tế như ngày nay, tình cảm như ngày xưa.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu trước Quốc hội, ngày 31/5. (Ảnh: Quang Vinh).
Ngày 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, cần phải hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính”.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chưa thực chất
Bày tỏ quan điểm đồng tình với đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, đây là những đánh giá thẳng thắn, không né tránh hạn chế. Thành quả kinh tế - xã hội và các mặt đạt được vừa qua là rất to lớn và phấn khởi, cho thấy những chủ trương, giải pháp đề ra là đúng đắn, nhiều cơ chế, chính sách đã phát huy mang lại hiệu quả cần tiếp tục phát huy. Nhưng cũng cần thấy rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế để có những giải pháp hiệu quả, không những hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2019 mà còn tạo động lực cho phát triển những năm tiếp theo.
Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã phân tích làm rõ và đề xuất một số giải pháp phát triển, nâng cao sự hài lòng của người dân. Điển hình như: cải cách hành chính, trong đó thể chế và thủ tục hành chính vừa qua đã được chỉ đạo quyết liệt, có nhiều tiến bộ, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thể hiện qua các con số cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh; số doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá, huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2% bằng 33,5% GDP; việc công bố đánh giá chỉ số hài lòng của các tổ chức trong nước và quốc tế vừa qua đã cho thấy Việt Nam thực sự có bước phát triển rất lớn.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, qua đánh giá cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chưa thực chất; việc công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ; việc liên thông, giảm thủ tục, đơn giản hóa thủ tục, tăng khả năng tiếp cận của người dân chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét.
Đưa ra dẫn chứng qua khảo sát, điều tra xã hội học vừa công bố chỉ số hài lòng cho thấy, tỷ lệ trễ hẹn không xin lỗi còn cao; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công cấp độ 3, 4 chỉ chiếm 7,1%, giao dịch thành công còn thấp hơn, trong khi tỷ lệ người dân ở nước ta sử dụng internet là 60%; 60,89% người được hỏi đề nghị mở rộng các hình thức thông tin, tiếp cận dich vụ; 46,8% đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục; 44,7% đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề xuất: “rất cần phải hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính”.
Cấp dưới đề nghị nhưng cấp trên không trả lời
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng thẳng thắn chỉ ra, qua giám sát và lắng nghe ý kiến người dân, hiện nay còn nhiều việc cấp dưới đề nghị nhưng cấp trên không trả lời hoặc chậm giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến quy hoạch, dự án, đầu tư, đất đai, môi trường.
Nhắc đến yếu tố “việc chậm trễ dẫn đến mất cơ hội đầu tư”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, cần có chỉ đạo đưa các nội dung này vào “một cửa” để rõ thời gian và trách nhiệm phản hồi, đồng thời nhấn mạnh đến việc qua khảo sát, điều tra xã hội học trong 3 cấp hành chính ở địa phương năm 2018 đã có sự đảo chiều, cấp xã nhận được sự hài lòng cao nhất.
Liên quan đến vấn đề thực hiện đầu tư công, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị, cần phải có sự phân cấp rõ hơn, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm đến cùng về tiến độ, chất lượng công trình, dự án, lược bỏ các khâu kiểm tra, có ý kiến của các cơ quan nhưng không chịu trách nhiệm gì. Đây cũng chính là nguyên nhân của phiền hà, chậm tiến độ của các dự án công hiện nay mà nhiều đại biểu đã so sánh tiến độ dự án công và tư hiện nay.
Tháo gỡ rào cản để người dân, doanh nghiệp yên tâm tự tin bỏ vốn vào đầu tư
Đề cập đến vấn đề thúc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề xuất, cần áp dụng mạnh công nghệ, cắt giảm thủ tục, công khai mức phí, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tăng nguồn vốn cho cơ cấu lại nông nghiệp, đem lại hưởng lợi cho số đông hộ nông dân. Bên cạnh đó, cần rà lại các quy định về ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài trước cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn hiện nay để thu hút đầu tư có chọn lọc, không phải bằng mọi giá. Tạo kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Không để sự thua thiệt của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
“Đề nghị cần phải thể chế kịp thời và tháo gỡ những vướng mắc, rào cản hiện nay để phát huy các hình thức đầu tư, để người dân, doanh nghiệp yên tâm, phấn khởi, tự tin bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, phát triển sản xuất, dịch vụ. Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, phải gắn liền với kiểm soát về quản lý, chông lậu và gian lận. Thực hiện công khai minh bạch và trung thực trong đấu thầu dịch vụ công. Cần phân tích sâu tại sao xã hội hóa dịch vụ công, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn rất chậm chạp, chất lượng một số dịch vụ công còn thấp, đề thúc đẩy sắp sếp đơn vị sự nghiệp công lập, giảm gánh nặng ngân sách”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nêu quan điểm.
“Việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước với các giải pháp tăng thu từ nội lực nền kinh tế, chống thất thu thuế, chuyển giá, giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống còn 61%, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt kiềm chế lạm phát là các công cụ, giải pháp rất quan trọng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi tăng trưởng tín dụng cần ở mức độ giới hạn, để ổn định kinh tế vĩ mô, dư địa tăng giảm lãi suất là hạn hẹp, ngân sách Nhà nước vẫn phải đi vay, để bù đắp bội chi và trả nợ gốc hàng trăm ngàn tỷ đồng/năm, số liệu quyết toán ngân sách 2017 vay 283.981 tỷ đồng. Nhu cầu cho phát triển rất lớn nhưng vẫn còn đồng tiền nhàn rỗi khá lớn ở kho bạc và các quỹ tài chính ngoài ngân sách”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đưa ra phân tích từ đó đề nghị cần có các giải pháp sử dụng có hiệu quả các nguồn tồn ngân này.
Có nhiều giải pháp tại sao không giảm?
Đặt vấn đề: Có một câu hỏi đặt ra là vừa qua, kinh tế phát triển khá nhưng nền tảng văn hóa, tinh thần đã được chú ý quan tâm đúng mức chưa?, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhắc đến mong ước của nhiều người rằng, kinh tế như ngày nay, tình cảm như ngày xưa.
Trước câu hỏi: “Một số vấn đề xã hội nhân dân quan tâm, bức xúc đã được nhắc đến trong nhiều kỳ họp, có nhiều giải pháp tại sao không giảm?”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đưa ra dẫn chứng, và nhìn nhận rằng: Điều đó cho thấy đây là vấn đề cần quan tâm, nâng cao đời sống vật chất phải gắn liền với nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Sự quan tâm phải thể hiện trên nhiều mặt tuyên truyền, vận động, giáo dục, truyền thông, tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, bố trí nguồn lực và con người để làm tốt nhiệm vụ này.
Nhấn mạnh vừa qua tình hình tai nạn giao thông chết nhiều người có 3 nguyên nhân chính: lái xe uống rượi bia say; nghiện ma túy; chất lượng học lái xe, bên cạnh đó vấn nạn về ma túy, bạo lực học đường, xâm hại, dâm ô với trẻ em là những vấn đề vừa qua có các chuyên đề làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp phòng chống, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề xuất, cần có cơ chế kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, và cần có chuyên đề bàn để có giải pháp căn cơ, phấn đấu để kéo giảm. Đặc biệt, cần phải khẩn trương hoàn thành các hướng dẫn để áp dụng pháp luật thống nhất, có tính phòng ngừa và răn đe cao.