Đại biểu của dân
Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 đã qua 2 tuần làm việc với lượng công việc đồ sộ. Đặc biệt, trong gần 2 ngày làm việc cuối tuần thứ 2, Quốc hội đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước. Những phiên họp này được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Điều đó cho thấy sự quan trọng của các vấn đề quốc kế dân sinh trong bất kể một kỳ họp nào của Quốc hội. Bên cạnh đó, việc truyền hình trực tiếp còn giúp cử tri và nhân dân có điều kiện theo dõi hoạt động của Quốc hội, của các đại biểu dân cử và đây là cách tốt nhất để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội, giám sát các đại biểu do chính mình bầu ra.
Nói riêng về phiên thảo luận kinh tế- xã hội, trong 1,5 ngày đã có 77 đại biểu phát biểu tại hội trường, 9 đại biểu dùng quyền tranh luận trong đối thoại về một số vấn đề mà cử tri quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thông tin thêm một số vấn đề có liên quan. Do thời gian có hạn, còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu gửi ý kiến đã chuẩn bị về Ban Thư ký của Quốc hội để tổng hợp.
Phát biểu “gói” lại 1,5 ngày chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến ĐBQH đều cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
“Nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh,...; phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, vụ việc được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhìn chung, qua phát biểu của đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số đại biểu đã bám sát tình hình kinh tế- xã hội và đánh giá đúng những nỗ lực của Chính phủ, của các địa phương trong thực hiện chỉ tiêu kinh tế- xã hội được giao. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đi đúng, đi trúng những vấn đề vẫn còn đang nóng trong phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề xã hội bức xúc. Chẳng hạn như, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tính bền vững của việc tăng thu ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; sự xuống cấp của đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư trong xã hội; vấn đề tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ; những hạn chế trong quản lý giáo dục và sai phạm trong tổ chức thi THPT, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông ở những vùng còn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường, công tác quản lý đất đai... sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa; hiệu quả trong đổi mới giáo dục; các vụ án thương tâm, các vụ án ma túy với khối lượng lớn, quy mô rộng; vấn đề thu hồi đất, ổn định chỗ ở cho đồng bào các vùng dân tộc như khu vực Tây Nguyên, bồi thường, tái định cư ở một số dự án thủy điện. Các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy, các vấn đề về bảo vệ môi trường đồng thời có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.
Tuy nhiên, qua theo dõi 3 phiên thảo luận kinh tế- xã hội cũng như những kỳ họp trước có thể thấy dường như trong phát biểu, trong tranh luận vẫn có đại biểu đã thể hiện ý kiến cá nhân quá mức cần thiết. Cái tôi hay bản lĩnh cá nhân là quan trọng nhất là với một đại biểu của dân để họ có thể đi đến cùng, hay dám đi đến cùng và tính cách ấy, bản lĩnh ấy nó sẽ rất có lợi đối với những góp ý mang tính xây dựng. Nhưng, cử tri và nhân dân chắc chắn sẽ không thích những cách nói phiếm chỉ, tuy có địa chỉ nhưng vẫn rất mù mờ qua cách đề cập của đại biểu để rồi, bên hành lang Quốc hội đại biểu đó lại rỉ tai phóng viên nào đó mà rằng, tôi không ám chỉ bộ trưởng này hay trưởng ngành kia. Đó là việc xem ra không mấy đàng hoàng. Cử tri và nhân dân chắc chắn không thích cách ứng xử ấy và họ sẽ tự đặt cho mình sự nghi hoặc đại biểu đó chưa chắc đã mấy công tâm hay đại biểu đó không biết đại diện cho cử tri và nhân dân đông đảo hay là chỉ đại diện cho một nhóm lợi ích nào đó. Những chuyện như thế dường như không phải không xảy ra ở ta, dù chưa phải là quá nhiều đến mức báo động; nhưng giá như nó không xảy ra trên nghị trường với bất cứ đại biểu nào thì tốt biết mấy!