Học sinh tiểu học vẫn áp lực với bài tập về nhà
Bước vào kỳ nghỉ hè, cũng là lúc học sinh được thở phào vì không còn phải áp lực với việc phải làm bài tập về nhà. Lâu nay, đây cũng là mối quan tâm của nhiều người lớn.
Mặc dù Bộ GDĐT chủ trương không giao bài tập về nhà với học sinh tiểu học đã học hai buổi trên lớp mỗi ngày, nhưng nhiều gia đình lo lắng khi về nhà, trẻ chỉ chơi mà “không sờ đến sách vở”. Còn các thầy cô giáo vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do từ phía phụ huynh đề nghị nên vẫn giao phiếu bài tập về nhà cho học sinh.
Vẫn còn áp lực bài tập về nhà với học sinh tiểu học.
Không làm quá tải học trò
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc kỹ thuật Dự án Chương trình và SGK mới- Bộ GDĐT, cho rằng phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau. Mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên thực chất không có một mẫu số chung nào cho câu chuyện giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến con cái mỗi ngày đều ngập trong núi bài tập, sách vở đến mức… sợ học.
GS Đinh Quang Báo kể lại câu chuyện ông gặp trong thang máy. Một người mẹ đón con từ trường về, chị nhắc con về làm bài tập ngay, sau đó ăn cơm nhanh để mẹ lại đưa đến lớp học tiếng Anh. “Trẻ con không còn thời gian nào để thở cả” – GS Báo nói.
Theo ông, đối với lứa tuổi tiểu học, nhất là ở lớp đầu cấp thì chuyện giao bài tập về nhà cần hết sức cân nhắc. Nếu con đã học hai buổi cả ngày ở trường rồi thì buổi tối nên là thời gian để các con thư giãn, giao lưu với các thành viên trong gia đình. Đối với lớp lớn hơn thì nên giao bài tập về nhà theo nguyên tắc đừng làm quá tải học trò.. Trẻ con cần phát triển cân bằng cả về mặt thể chất, trí tuệ và các trí thông minh khác như trí thông minh về không gian, âm nhạc, ngôn ngữ, vận động, giao tiếp, nội tâm… Không nên và cũng không thể kỳ vọng mọi đứa trẻ đều giỏi toán hay giỏi ngoại ngữ, lấy chuẩn “con nhà người ta” mà yêu cầu con mình cũng phải đạt được như vậy.
Nếu thầy cô không giao bài tập về nhà, con trẻ rảnh rỗi lại xem ti vi, điện thoại thì sao? GS Đinh Quang Báo cho rằng từ kinh nghiệm của gia đình ông, hiện nay có rất nhiều phần mềm đọc truyện cổ tích, học tiếng Anh… trên mạng rất hữu ích. Nhưng người lớn phải đồng hành cùng các cháu, không thể để trẻ xem bất cứ chương trình gì chúng thích mà không có sự kiểm soát của người lớn vì lồng trong nhiều chương trình, có nội dung xấu, không thích hợp để trẻ dưới 18 tuổi xem.
Theo chị Phan Hồ Điệp- giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, đối với học sinh lớp 1, vẫn nên cho bé làm bài tập về nhà trong khoảng thời gian dưới 20 phút là phù hợp. Trong khoảng thời gian đó, bé đọc lại bài của ngày hôm đó; tập tô hoặc tập viết khoảng 3 dòng; tự tính nhẩm hoặc viết lại con số.
Chị Điệp cũng nhấn mạnh, việc bắt bé ngồi viết cả trang giấy là một “cực hình” bởi tay con còn quá non nớt. Điều cần rèn cho trẻ trước thềm lớp 1 là thói quen tự học, cách tự liên hệ, tự tìm hiểu những kiến thức đã học. Ví dụ con học vần “o”. Hãy cùng đố vui tìm các tiếng có vần “o”. Khó hơn thì làm bài thơ kết thúc bằng vần “o”. Ví dụ: Tôi bị ho/ Mẹ rất lo/ Mẹ lấy cho/ Một cái lọ/ Có vị nho/Tôi hết ho/ Ngủ khò khò/ Ngáy o o…
Với môn Toán, hãy cố gắng “nghĩ theo hướng ngược lại” vì các bài tập trong sách giáo khoa thường chỉ dạy kĩ năng tính toán. Ví dụ con học phép tính trong bảng 5, bố mẹ hãy đố: Những số nào cộng với nhau thì kết quả là 5.
Người mẹ này cũng nhắn nhủ với các bậc phụ huynh, trong mọi điều, hãy nhớ: Đừng để bé sợ học ngay từ vạch xuất phát. Niềm vui khi học là thứ cảm xúc cần được nuôi dưỡng và quan trọng hơn điểm số. Đừng hoang mang khi thấy các bé khác biết đọc, viết mà con mình thì chưa. Chỉ sau một học kì, hầu hết các bé sẽ có trình độ ngang nhau.
Học giả thi thật…
Liên quan đến chương trình học, nhiều phụ huynh băn khoăn về việc hiện nay chương trình SGK mới đang được viết theo hướng giảm tải các kiến thức hàn lâm để các con học đỡ nặng nề hơn. Nhưng khi con chị muốn thi vào trường chuyên lớp chọn, nếu chỉ học kiến thức ở trường thì không đáp ứng được. Vì vậy, sau giờ học chính khóa trên lớp con vẫn phải đi học thêm, làm hết bài tập cô giao còn phải làm thêm bài nâng cao.
Về vấn đề này, GS TS Đinh Quang Báo cho biết đổi mới thi là một trong những vấn đề nổi cộm của đổi mới giáo dục. Hiện nay Bộ trưởng Bộ GDĐT luôn đề nghị các trường tổ chức các bài thi theo hướng phát triển năng lực sẽ vừa hiệu quả hơn về mặt giáo dục và về mặt tâm lý, trẻ em sẽ không mệt bằng những bài thi truyền thống hiện nay... Nếu đưa các bài toán vận dụng năng lực, chẳng hạn như về chi tiêu trong gia đình thì học trò sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đồng thời có giá trị trong lâu dài.
“Hiện Ngân hàng Thế giới đề nghị đưa vào chương trình học các ứng dụng về tài chính quan trọng trong đời sống. Chúng tôi cũng đã kiến nghị đưa nội dung này vào Chương trình sách giáo khoa mới”- GS Đinh Quang Báo nói.
Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Dục Quang- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, Chương trình SGK là được viết cho giáo dục phổ thông, dành cho số đông học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Còn những em có khả năng hơn thì gia đình cần đầu tư thêm bằng các cách khác nhau như tăng cường các tiết học nâng cao, học thêm… Trường chuyên lớp chọn chỉ dành cho một số ít học sinh nên không thể yêu cầu giáo dục đại trà ôm đồm cả các kiến thức hàn lâm, vì số đông học sinh sẽ khó tiếp thu được cũng như tính ứng dụng trong thực tế không nhiều.