Nhà văn Văn Thành Lê: Mỗi người lớn đều có bóng dáng trẻ con
Là gương mặt nổi bật trong giới văn chương phía Nam với sức viết cùng các hoạt động tích cực, Văn Thành Lê sáng tác nhiều đề tài, trong đó, anh ưu ái nhiều trang viết dành cho thiếu nhi.
Nhà văn Văn Thành Lê.
Nhà văn Văn Thành Lê (33 tuổi, tại Thanh Hóa, hiện đang sống và làm việc tại TP HCM) đã ra mắt 13 đầu sách, nhận 8 giải thưởng văn học, trong đó có giải thơ báo Mực Tím, giải truyện ngắn báo Phụ nữ TP HCM, 2 lần giải thơ Bút Mới báo Tuổi Trẻ, giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng - Hội Nhà văn Đan Mạch… Là gương mặt nổi bật trong giới văn chương phía Nam với sức viết cùng các hoạt động tích cực, Văn Thành Lê sáng tác nhiều đề tài, trong đó, anh ưu ái nhiều trang viết dành cho thiếu nhi.
PV: Được nhận nhiều lời khen ngợi, nhất là trong giới văn chương, về sức sáng tạo cũng như văn phong của anh qua từng tác phẩm, anh chia sẻ sao về điều này?
Nhà văn Văn Thành Lê: Tôi trân trọng mọi khen/chê của độc giả và đồng nghiệp. Bởi để “điểm huyệt” bất kì sáng tác nào, ai đó đều phải “mất thời gian” để đọc và cảm, kể cả là lời… đãi bôi thì ít nhiều não bộ cũng phải cựa quậy. Tuy nhiên, người viết nên tự biết cách để đứng ngoài những khen/chê. Khi cuốn sách đã lên kệ, tôi sẽ nghĩ đến cuốn sách khác, đang viết hoặc sẽ viết, chứ không ngồi mơ màng chờ khen/chê. Tự biết con chữ của mình luôn là cảnh giới khó nhất với mỗi người viết, nhưng là cần thiết nếu muốn đi tiếp trong văn chương.
Gặp anh ngoài đời, dường như anh không để những lời khen làm ảnh hưởng, vẫn nụ cười hiền và cách cư xử nhẹ nhàng khiêm tốn?
- Trong vô vàn kiểu khen, theo nhà văn Nguyễn Khải, có loại “Khen cho chúng nó chết”. Mà tôi vốn nhát gan, sợ chết, nên tự nhủ phải... bình tĩnh trước khen/chê. Vả lại, tôi tự tin với việc viết hơn là nói, nói mà miệng đi trước não thì nguy, nên tốt nhất là… cười hiền. Thêm nữa, tôi từng thật thà tự thú với bạn bè, rằng giọng Thanh Hóa quê tôi không hợp để nói. Nhìn lại lịch sử dân tộc, đúng là người Thanh Hóa hợp với chuyện… khởi nghĩa. Tôi bắt chước, tập trung khởi nghĩa, nhưng với chữ với giấy, chứ không phải khởi nghĩa… miệng.
Vì sao anh chọn viết cho thiếu nhi?
- Trước khi viết cho thiếu nhi tôi đã viết cho tuổi mới lớn và cả tuổi hết lớn. Kể ra thì thấy mình tham lam, nhưng, nếu như viết cho tuổi mới lớn là để được sống với thuở rung động đầu đời, đầy mơ mộng ngác ngơ trong sáng nhất, thì viết cho người lớn để thấy mình của ngổn ngang đương đại, không phải người trên trời, còn viết cho thiếu nhi là cơ hội để “chống lại” Heraclitus, rằng con người có thể tắm nhiều lần trên dòng - sông - tuổi - thơ.
Viết về lứa tuổi hồn nhiên ấy, anh thấy chính tâm hồn mình trong đó?
- Tôi may mắn có tuổi thơ trùng điệp núi đồi, ruộng đồng và đẫm đầy khe suối. Tuổi thơ trong vắt, hồn nhiên, tràn ngập thiên nhiên. Đó là gia tài mà càng lớn lên, càng xa quê, càng viết, tôi càng thấy quý. Và viết cho thiếu nhi là cơ hội để tôi bấu víu, nương tựa vào khối gia tài ấy. Tôi gặp lại chính mình trong những nhân vật cô bé, cậu bé của mình. Như cách nói của Acsimet, thì tuổi thơ là điểm tựa để tôi có thể nhấc bổng những trang văn lên.
Mỗi cuốn sách, anh đã viết trong hoàn cảnh nào?
- Mỗi cuốn sách được tôi viết trong từng thời đoạn khác nhau, theo đó, có sự trưởng thành về ngôn ngữ và tư duy. Với tôi, viết luôn luôn là quá trình phải tự hoàn thiện và vượt thoát chính mình. Bất kể là cho đối tượng độc giả nào.
Trong quá trình viết, cảm xúc và suy nghĩ của anh thường ra sao?
- Là người học tự nhiên nên tôi thích sự logic và bố cục/cấu trúc chặt chẽ. Tôi cho đường dây câu chuyện, nhân vật quẫy đạp thoải mái trong sự hình dung, tính toán trước đó của mình. Nhân vật kéo tôi đi trong “vòng kim cô” đó. Thi thoảng vẫn có những cú “trượt chân” ra ngoài “vòng kim cô”, nhưng rồi, đâu sẽ lại vào đó, có cách để nhân vật không lầm đường lạc lối.
Các tác phẩm của Nhà văn Văn Thành Lê.
Anh viết vào lúc nào, khi mà thấy anh luôn bận rộn với công việc xuất bản và báo chí?
- Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày. Tôi vốn không thích đổ lỗi cho hoàn cảnh, những thứ ngoài mình. Tự mình phải có cách “về thu xếp lại” để “ngày trong nếp ngày” vẫn lách được bút/bàn phím vào những khe hở của công việc, cho văn chương. Nhiều khi tôi thấy mình còn nuông chiều, thả lỏng cho bản thân ấy chứ. Nếu tự nghiêm khắc, khắt khe với mình hơn, có thể tôi đã “khá khẩm” hơn rồi.
Với tôi, viết cho thiếu nhi rất khó, làm sao diễn tả được tinh thần của các em, và các em có thể thích được?
- Tôi tin mỗi người lớn đều có hình bóng trẻ con ở trong mình, nhiều hay ít, khuất lấp hay hiển hiện thì còn tùy. Riêng tôi, tôi thấy đứa trẻ ấy rất rõ. Có lẽ do già mà vẫn chưa kịp lớn chăng? Nhờ vậy, tôi chỉ việc mang đứa trẻ trong mình ra đối thoại với các em nhỏ. Bởi viết cho thiếu nhi là để các bạn nhỏ nói chuyện với nhau, quậy hết mình với nhau, khóc cười với nhau, không phải như cách người lớn nói chuyện với các em. Và càng không chăm chăm dạy dỗ, phải thế này, phải thế kia. Tôi để các em cất lên tiếng nói đúng giọng của mình, chứ không mượn miệng các em, bắt các em nói giúp bộ não của tôi.
Trên thực tế, thiếu nhi là lứa tuổi ham đọc nhất và thường đòi quà là những cuốn sách?
- Đúng vậy. Ham đọc, ham tìm hiểu và có nhiều thời gian để đọc nhất là thiếu nhi và người trẻ. Riêng đòi quà, là sách hay là gì còn phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình và thầy cô, mà gia đình là quan trọng nhất, ngay từ nhỏ. Trẻ con là tờ giấy trắng. Bình minh đầu đời, trẻ được sống ở môi trường nào, không khí nào, được người lớn “viết gì” lên đấy sẽ xác lập nên nhân cách, thói quen theo trẻ đến già.
Tuy nhiên sách dành cho các em lại không nhiều, nhất là văn học trong nước. Anh có thể chia sẻ về điều này?
- Tôi nghĩ không hẳn vậy. Vài năm trở lại đây, thị trường sách càng ngày càng sôi động, đầu sách nhiều hơn và mỹ thuật bắt mắt hơn, trong đó có sách dành cho thiếu nhi. Và dĩ nhiên, sách văn học góp phần để cấu thành điều ấy. Việc các nhà xuất bản không chuyên làm sách thiếu nhi cùng nhiều công ty sách đã hướng sản phẩm đến đối tượng nhỏ tuổi cho thấy thị phần sách thiếu nhi quan trọng và tiềm năng. Sách văn học thiếu nhi không còn đơn điệu như trước. Tuy nhiên, tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước bật hẳn lên, có thể đứng “riêng một góc trời” thì còn khó kiếm. Điều này đúng với cả văn học nói chung chứ không chỉ văn học thiếu nhi. Nhưng nhiều người nói đến văn học thiếu nhi chỉ quẩn quanh một số tác phẩm kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đất rừng phương Nam, Tuổi thơ dữ dội, Thơ Trần Đăng Khoa…, theo tôi là không sòng phẳng. Thậm chí, xin lỗi, có khi những người ấy chẳng mấy quan tâm cập nhật sách thiếu nhi. Trong chúng ta, số đông vẫn ngồi chờ truyền thông dắt mũi. Mà thời nay, mọi thứ ồn ào nhanh và qua đi cũng nhanh, rất khó để đọng lại điều gì đó. Riêng tôi, hằng năm vẫn có thể kể ra một số tác giả - tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước được các bạn nhỏ đón nhận tích cực.
Theo anh làm thế nào để qua sách có thể kích thích được sự sáng tạo, tinh thần tích cực từ các em?
- Trước khi nói chuyện này, tôi nghĩ nên bàn chuyện làm sao để các em đến với sách nhiều hơn nữa.
Chỉ cần mỗi cá nhân/tổ chức làm tròn vai của mình chắc chắn việc đọc sách của các em sẽ khác. Chúng ta cần những cuốn sách hay, điều này các đơn vị xuất bản đã và đang làm, theo tôi là càng ngày càng tốt. Ở góc độ xã hội chúng ta có Ngày Sách Việt Nam 21/4 hằng năm, tốt rồi. Còn lại là việc của gia đình và nhà trường. Tôi tin, nếu trong nhà mà bố mẹ có thói quen đọc sách, nơi trang trọng nhất là tủ sách chứ không phải tủ rượu, thì trẻ con lớn lên cũng tự khắc thích sách. Nếu ở trường, thầy cô cũng có thói quen đọc sách, thư viện thường xuyên cập nhật các đầu sách mới, sách hay, mỗi lớp học có tủ sách be bé, học sinh có các hoạt động trao đổi sách cho nhau, nhà trường có tiết học hướng dẫn đọc sách, khơi gợi tình yêu với sách, thì học sinh lớn lên chắc chắn sẽ không thờ ơ với sách.
Tôi từng nghĩ, giá như những tỉ phủ, triệu phú mỗi năm “nhón tay làm phúc” một chút cho các tủ sách/ thư viện thì mặt bằng dân trí vùng cao vùng sâu vùng xa dần dần chắc sẽ khác, trẻ con lớn lên cũng sẽ khác. Tóm lại, là làm sao để những cuốn sách hay đến gần hơn với đầu giường và lớp học của các bạn nhỏ. Đừng để tình trạng cả năm bố mẹ chỉ dẫn con đi nhà sách một lần mua sách giáo khoa, trong khi hằng ngày dễ dàng trao các thiết bị công nghệ tận tay cho các em, rồi hoang mang nói con tôi lười đọc sách, các loại hình giải trí “ăn nhanh” khác đã nuốt trửng con tôi rồi.
Một khi các em đã thích sách, có điều kiện đọc sách, chính trang sách sẽ có cách đánh thức sự sáng tạo và tinh thần tích cực ở mỗi em theo những cách khác nhau, tùy mỗi đứa trẻ.
Xin chân thành cảm ơn anh!