Tâm thần phân liệt - cần hiểu đúng

Đức Trân 02/06/2019 08:00

Tâm thần phân liệt là loại bệnh được nhắc tới nhiều trong các bộ phim điện ảnh hay các cuốn tiểu thuyết mang yếu tố khá kinh dị, tuy nhiên, đây không hề là căn bệnh hiếm gặp – mặc dù là loại bệnh tâm thần nặng.

Tâm thần phân liệt - cần hiểu đúng

Người mắc tâm thần phân liệt không đồng nghĩa với hung hãn, nguy hiểm

Tâm thần phân liệt (schizophrenia) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi một sự suy giảm quá trình suy nghĩ và sự thiếu hụt các hưởng ứng cảm xúc điển hình. Đây là loại bệnh loạn thần trầm trọng, tiến triển ngày càng nặng dần và có xu hướng trở thành bệnh mãn tính. Người bệnh không thể kiểm soát được bản thân, rối loạn suy nghĩ, vô cảm và thiếu động lực sống, bất ổn trí nhớ. Bệnh gây rối loạn các chức năng xã hội và ảnh hưởng lớn đến công việc. Tỉ lệ mắc bệnh ở người trẻ trưởng thành khoảng 0,3 - 0,7%. Chẩn đoán thường dựa trên quan sát hành vi và những cảm nhận do người bệnh thuật lại.

Các yếu tố cấu thành bệnh rất đa dạng, bao gồm di truyền, sử dụng ma túy, môi trường sống đầu đời, tâm lý và diễn biến xã hội. Một số loại thuốc kích thích và thuốc được kê đơn cũng cho là nguyên nhân khiến các triệu chứng thêm trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như người mẹ đang mang thai bị virút xâm nhập, do di truyền, hay bị những chấn thương tâm lý, hoặc cả cấu trúc bất thường của não. Bệnh không chỉ liên quan đến não mà còn liên quan đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Qua nghiên cứu cho thấy, số lượng tế bào não và hoạt động của não bộ người mắc tâm thần phân liệt ít hơn so với người bình thường. Sự giảm thiểu kích thước não còn phát sinh trình trạng kiểm soát ngôn ngữ không được bình thường. Ngoài ra, còn phải kể đến môi trường sống, áp lực tác động lên tâm sinh lý, khiến bệnh tình trầm trọng hơn, nhất là nhóm người đã có sẵn gen gây bệnh.

Những người hay ngượng ngập từ thời thơ ấu, ngại tiếp xúc và sống cô độc thường gặp khó khăn trong việc tạo mối quan hệ với người khác giới ở tuổi vị thành niên. Có thể vì vậy nên họ thích ở những nơi càng ít giao tiếp càng tốt. Tuy nhiên, người có nhân cách này thường không phát triển thành tâm thần phân liệt nếu không chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Đáng kể, đây là căn bệnh thường bắt đầu từ tuổi trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Thống kê từ bệnh viện tâm thần TP HCM, cứ 100 người dân thì có 1 người mắc tâm thần phân liệt.

Được miêu tả nhiều trong phim ảnh, tiểu thuyết, bệnh nhân tâm thần phân liệt thường gắn liền với hình tượng hung hãn, nguy hiểm và có nhiều nhân cách. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Theo một nghiên cứu của đại học Oxford, trong 13.806 bệnh nhân tâm thần phân liệt chỉ có 23% người thực hiện hành vi bạo lực, đa phần bệnh nhân tâm thần phân liệt không bạo lực.

Triệu chứng quan trọng nhất để phát hiện ra tâm thần phân liệt là hoang tưởng. Đó là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do chính bệnh nhân tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán. Một vài nội dung hoang tưởng được thống kê là hoang tưởng tự cao, hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị chi phối. Đối với người bệnh hoang tưởng tự cao, bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể làm tướng quân chỉ huy quân đội mặc dù bệnh nhân chưa từng đi bộ đội, hay có thể chữa khỏi ung thư dù bệnh nhân không được đào tạo gì về y dược, hoặc có thể nghĩ mình là lãnh đạo cơ quan, chỉ đạo những người xung quanh nghe theo ý mình mặc dù vẫn chỉ đang là nhân viên…

Đối với người bệnh hoang tưởng bị hại, bệnh nhân luôn luôn nghĩ có người đang tìm cách hại mình, có thể là hàng xóm, người thân trong gia đình, đồng nghiệp cùng cơ quan… Còn đối với bệnh nhân hoang tưởng bị chi phối, người bệnh nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình. Và đương nhiên, trong mọi trường hợp, bệnh nhân sẽ có phản ứng tuỳ theo nội dung mà mình hoang tưởng, thí dụ như từ chối ăn cơm chung với gia đình vì sợ bị đầu độc, hay phản ứng tự vệ với môi trường xung quanh vì nghĩ có người hại mình…
Một vài biểu hiện quan trong khác của bệnh tâm thần phân liệt là ảo thanh và rối loạn khả năng suy nghĩ. Bệnh nhân có thể nghe được một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay bên tai, với nội dung thường là đe doạ, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng bệnh nhân. Và bệnh nhân sẽ có những phản ứng tuỳ theo nội dung của ảo thanh như bịt tai đối với ảo thanh chửi bới, tự vệ đối với ảo thanh đe doạ…Người bệnh có triệu chứng nói lời khó hiểu, đang nói bệnh nhân bỗng nhiên ngừng lại một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ hay đột ngột nói sang chủ đề mới.

Theo BS Lê Quốc Nam – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện tâm thần TP HCM, bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt còn có một vài triệu chứng kém quan trọng hơn có thể được kể đến là mất đi ý muốn làm việc. Đầu tiên bệnh nhân sẽ không thể tiếp tục làm việc tốt tại cơ quan hay học tập tốt trong trường học; nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ không còn làm tốt được các công việc hằng ngày như làm việc nhà, giặt giũ, nấu ăn và nặng nhất là bệnh nhân sẽ không chú ý đến vệ sinh cá nhân, không tắm rửa, ăn uống kém... Ngoài ra, bác sĩ Nam kể thêm triệu chứng giảm sự biểu lộ tình cảm, bệnh nhân sẽ không phản ứng trước các sự kiện vui buồn hoặc khi gặp sự kiện vui thì bệnh nhân buồn và đối với sự kiện buồn thì bệnh nhân lại tỏ ra vui. Tình trạng này là do bệnh gây ra, không phải vì bệnh nhân lười biếng.

Khó khăn trong quản lý, phát hiện người mắc tâm thần

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mắc tâm thần nặng như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh… Tuy nhiên, mới chỉ có 15-20% đối tượng tâm thần được quản lý, theo dõi. Riêng tại Hà Nội, số người tâm thần nói chung được thống kê trong năm 2017 của Sở LĐTB&XH và Sở Y tế là 32.124 người, phần lớn trong đó cũng được gia đình tự quản lý tại nhà.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), người bị bệnh tâm thần phân liệt tỷ lệ là 0,3-0,7% dân số và khoảng 3-5% dân số trên thế giới có triệu chứng trầm cảm ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. TS Vũ Thy Cầm - Trưởng khoa điều trị Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay: hiện mỗi ngày Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia tiếp nhận khoảng 270 bệnh nhân rối loạn tâm thần điều trị nội trú và khoảng 250-300 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Đáng chú ý, những năm gần đây, bệnh nhân trẻ đến khám có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) có các bệnh lý về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do con người làm việc suốt ngày đêm, bị áp lực công việc lớn kéo dài, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều…

Trong khi đó, người dân thường có tâm lý tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Song, không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh sẽ bị hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến người bệnh thực hiện hành vi phạm pháp, gây án. Việc để cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại gia đình cũng là xu hướng đưa người bệnh trở lại với cuộc sống đời thường, giúp bệnh tình của họ có nhiều khả năng thuyên giảm.

Theo ThS BS Đinh Hữu Uân - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - thì rối loạn tâm thần là một bệnh lý hết sức phức tạp. Khi một người mắc một rối loạn tâm thần nào đấy thì những hành vi của họ không làm chủ được. Những hành động đó được chi phối bởi những hoang tưởng ảo giác nên họ có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân họ và cho những người xung quanh. Dẫu biết người mắc bệnh tâm thần có thể có những hành vi nguy hiểm bộc phát bất cứ lúc nào, nhưng lại không dễ để đưa một người bệnh tâm thần nặng vào điều trị.

Trong khi đó, các quy định của pháp luật về sức khỏe tâm thần còn thiếu nên việc cưỡng chế để đưa một người tâm thần đi điều trị càng khó gấp bội. Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế.

Bà Dương Tuyết Nhung - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội – cho biết: hiện nay nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhưng do thiếu chế tài nên không thể buộc những người bệnh đặc biệt này phải đi chữa trị. Cần có những quy định cụ thể, quy định sau khi thăm khám đánh giá tình trạng bệnh của người tâm thần ở mức độ nào thì cần phải đi viện điều trị, tránh nguy hiểm cho cộng đồng.

Rối loạn tâm thần là một bệnh lý hết sức phức tạp, người bệnh dù đã được điều trị ổn định nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Chính vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng người tâm thần gây án, pháp luật cần có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần.

Đức Trân