Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố: Cuộc đời cao đẹp của một học giả
Sáng 2/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 – 5/6/2019).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm .
Đến dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ĐBQH…
Trình bày diễn văn kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ôn lại thân thế, sự nghiệp của nhà chí sĩ, học giả, Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, liệt sĩ Nguyễn Văn Tố.
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1905, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức; năm 1906, chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội và chỉ sau mấy năm, đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhất là về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
“Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học... của dân tộc, đăng trên những tạp chí có uy tín thời đó. Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công lao của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố khi chỉ trong 8 tháng đã làm được rất nhiều việc hệ trọng: “Trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực thi các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi những sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ trước khi các sắc lệnh được ban hành”. Đặc biệt là trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 – Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, với những nội dung tư tưởng tiên tiến, mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay.