Trách nhiệm của cộng đồng
Dù mới vào đầu kỳ nghỉ hè, nhưng tai nạn đuối nước đã liên tiếp xảy ra tại các địa phương. Mới đây nhất vụ đuối nước ở Yên Thành, Nghệ An cướp đi sinh mạng 5 em học sinh, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em trong kỳ nghỉ hè.
Đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo rằng ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao.
Thống kê chỉ trong vòng một tuần vừa qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khiến gần 30 học sinh bị chết đuối. Quá nhiều vụ đuối nước tập thể xảy ra, trong khi nạn nhân đa phần sinh sống ở những vùng nông thôn, hoặc vùng có nhiều ao hồ sông suối đã đặt ra những vấn đề đáng phải suy ngẫm. Tại sao nhiều địa phương đã nỗ lực dạy bơi cho trẻ em bằng phương thức xã hội hóa; rồi phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, tuyên truyền nhưng số vụ trẻ em đuối nước vẫn có chiều hướng gia tăng? Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước?
Điều đáng nói là Tháng hành động vì trẻ em 2019 cũng vừa được phát động trước kỳ nghỉ hè của các em chừng 1 tuần lễ, với chủ đề: Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài mối quan tâm trước mắt về phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em mỗi khi hè tới, tại lễ phát động này, những vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…cũng được đặc biệt chú trọng.
Những số liệu đưa ra tại lễ phát động nhân Tháng hành động vì trẻ em đã giúp mọi người có hình dung tổng quan hơn về việc thực hiện quyền trẻ em, cũng như yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cả nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo xét theo tiêu chí thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng trung du - miền núi phía Bắc có tỉ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo).
Việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...
Do đó một vấn đề đặt ra, hoạt động chăm sóc bảo vệ trẻ em phải là một việc làm thường xuyên, chứ không chỉ là những cuộc phát động mỗi dịp hè về. Trước tai nạn đuối nước thường xuyên diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần trang bị cho trẻ em kỹ năng mềm, kỹ năng tự cứu mình. Nhưng dù thế nào, yêu cầu lớn nhất lúc này là làm sao để những đề án dạy bơi không phải chỉ vẽ ra trên giấy, hoặc chỉ để làm thành tích để báo cáo...
Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, có tới 90% trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục bởi người thân quen, trong đó có cả bố đẻ, thầy giáo… Đây là một con số thực sự đau lòng. Song những vụ việc này cũng chỉ được biết đến khi có sự vào cuộc cuộc của truyền thông. Nhiều vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình, trong các khu dân cư…nhưng tổ dân phố, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em… cũng không hề hay biết. Những đứa trẻ còn quá nhỏ để tự bảo vệ mình trước bạo lực từ người lớn, và có những cái chết thương tâm đã xảy ra trong khi lâu nay người ta vẫn nhắc nhiều tới việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em...
Chính vì lẽ đó, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đầu tư vào phát triển trẻ thơ toàn diện; những bài học kinh nghiệm to lớn đối với chính sách và thực tiễn trong việc làm thế nào để giảm nghèo và giảm bất bình đẳng – đầu tư ngày hôm nay để đảm bảo rằng ước mơ và hoài bão trẻ em Việt Nam được chắp cánh bay cao, để các em có thể đóng góp cho đất nước. Vì thế, cần hành động bằng cách đầu tư vào dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội có chất lượng dành cho trẻ em. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo giúp phát hiện trẻ em có nguy cơ, can thiệp để phòng ngừa kịp thời nạn xâm hại và bóc lột trẻ em; đồng thời huy động cộng đồng để giải quyết những nguy cơ khác đối với trẻ em như đuối nước…
Được tổ chức thường niên, mỗi lễ phát động nhân Tháng hành động vì trẻ em đều có những chủ đề riêng. Đơn cử như năm 2018 chủ đề hướng tới là Vì cuộc sống an toàn lành mạnh cho trẻ em, với thông điệp: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Thực chất, những thông điệp vì trẻ em chưa bao giờ là cũ. Mỗi người lớn đều có thể góp phần tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình.
Hơn bao giờ hết, bảo vệ quan tâm tới trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng mỗi gia đình, mà phải là của cả cộng đồng. Trong đó cần giúp mỗi trẻ em hiểu rằng: Quyền trẻ em cũng đồng nghĩa với trách nhiệm. Chính các em cũng cần phải lên tiếng/chung tay với cộng đồng trong việc tạo ra một môi trường sống an toàn, yêu thương cho mình.