Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm: 'Bay bổng sẵn trong máu, kỷ luật sẵn trong não'
Là một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác ca từ trí tuệ tích cực, âm nhạc tươi vui bay bổng, từng là thành viên của nhóm “Đồng hồ báo thức” được công chúng yêu mến, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm ngoài đời vẫn vô cùng bình dị, hiền hòa. Ngoài công việc, gia đình, khi ra ngoài anh thường ngồi một mình giữa không gian yên tĩnh.
Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, (Ảnh do nhân vật cung cấp).
PV: Một nhạc sĩ trong nhóm “Đồng hồ báo thức” cách đây tròn 20 năm, với một nhạc sĩ/ họa sĩ thiết kế làm việc tại báo Công an Nhân dân, anh thấy có gì giống và khác nhau?
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm: Vẽ cùng với nhạc không hề khác nhau. Họa và nhạc đều có thể kể một câu chuyện, có dẫn dụ, đóng mở, cao trào, có màu sắc, nóng lạnh, cứng mềm, có hình ảnh và giai điệu. Công việc thiết kế đồ họa của tôi là cách biểu đạt cảm xúc với một chất liệu khác thôi. Tất nhiên, cả hai đều phải tạo được tính cuốn hút.
Các ca khúc anh sáng tác, bên trong luôn hướng về sự trong sáng, bản tính thiện và để con người sống tích cực hơn?
- Tôi cũng có đủ cung bậc vui buồn, viên mãn và thất vọng, nhưng tôi ghét sự than thở. Tôi nhiều khi trở thành chỗ tựa của những người bạn khi họ không còn gì bấu víu. Tôi có buồn cũng không mấy ai biết. Mình tự giải quyết chuyện của bản thân. Người sao thì tác phẩm vậy. Tôi thường viết về những điều tích cực cũng xuất phát từ xung quanh tôi nhiều tác phẩm hơi "bội thực" về sự thất vọng. Ai cũng khóc. Nhưng khóc nốt chỗ dở rồi thôi, chứ đừng mếu máo cả đời. Trông nó thảm hại con người lắm.
Nhiều người còn chưa biết đến anh là một họa sĩ thiết kế, nhưng với âm nhạc, thì đông đảo công chúng biết tên, cũng như muốn biết hết các thông tin cá nhân của anh, chỉ cần vào Wikipedia và gõ tên. Anh có thể chia sẻ về việc anh đến với âm nhạc ra sao?
- Tôi thực sự thích nhạc nhẹ từ hồi học cấp 2 vì được tiếp xúc khá sớm với nhạc nhẹ qua đĩa hát do các anh chị tôi mang về từ Đông Âu khoảng 1975-1978. Đầu tiên là Beatles, Rolling Stone, Eagles, Smokie, BoneyM, ABBA... Khi ấy thì loại âm nhạc này không được các phụ huynh hoan nghênh lắm. Tôi cũng không hiểu gì về loại nhạc này ngoài cảm giác nó rất hấp dẫn. Quanh nhà tôi có mấy tay guitar cừ khôi. Tôi bắt đầu học từ họ và một người bạn. Hồi ấy không hề có tài liệu về nhạc nhẹ nên bọn tôi thường thi nhau nghe băng đĩa để "bắt" hợp âm và chơi lại sao cho giống nhất.
Anh đã sáng tác hai ca khúc như “Nhắn tuổi 20”, “Chiếc đồng hồ đáng ghét” trong hoàn cảnh nào? Và khi được khán giả trẻ yêu thích, anh đã cảm thấy ra sao?
- Tôi dự thi ca khúc năm 1995 với ca khúc "Lời chào bình minh". Ca từ đoạn 2 nảy ra hình ảnh con ốc. Tôi liền đẩy nó thành 1 ca khúc khác với tên là "Nhắn tuổi 20". Ca sĩ Hải Yến (NH Tuổi Trẻ) hát bài này rất sôi động nhưng bài chỉ nhận giải Khuyến khích. Có một người chạy lên sân khấu tặng tôi một bông hoa và bảo "Mày biết bài nào hay nhất hôm nay không? Chính là bài "Con ốc" của mày". Người đó là Nghệ sĩ kịch nói Đức Hải. Thật là một lời khích lệ làm tôi nhớ mãi.
Những kỉ niệm của anh trong nhóm nhạc “Đồng hồ báo thức” thì sao?
- Bài "Nhắn tuổi hai mươi" được yêu cầu ở tất cả những sân khấu ban Đồng hồ có mặt. Tôi nhận được rất nhiều thư khen ngợi. Nhớ nhất là thư của một nữ sinh ở miền Trung nói em bị mắc bệnh hiểm nghèo, đã tính tới việc chủ động kết thúc cuộc sống. Nhưng nghe bài "Nhắn tuổi hai mươi", em đã thay đổi. Ca sĩ solo của ban nhạc là Hoài Phương chơi với tôi năm 20 tuổi, gắn bó với tôi qua rất nhiều chặng đường. Từ khi chưa lập ban tới khi ban dừng cuộc chơi và sau này, Phương luôn sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với tôi trong âm nhạc và cuộc sống.
Anh là người rất có duyên với các giải thưởng âm nhạc, là một nhạc sĩ được hâm mộ, cuộc sống của anh thời gian ấy thế nào?
- Bất kể lúc nào tác phẩm vẫn phải là tốt nhất với khả năng của mình. Có những tác phẩm bị đánh trượt nhưng người ta lại hát nhiều, hoặc bạn nghề hơn 20 năm vẫn nhắc đến. Đấy là cái duyên thú vị hơn tấm chứng nhận giải thưởng.
Vậy tuổi thơ của anh thì sao? Anh có thể chia sẻ về tuổi thơ của mình? Những ký ức còn theo anh mãi?
- Thế hệ tôi thì tuổi thơ thiếu thốn nên tài sản duy nhất là sự tưởng tượng. Có những lúc mình không hòa nhập được cùng bạn cùng trang lứa vì khả năng tưởng tượng khác nhau. Đôi khi cảm thấy lạc lõng. Ngay cả việc tự sáng tác nhạc khi còn nhỏ đã xứng đáng là một trò cười rồi.
Gia đình có tác động lên việc hình thành giáo dục và nhân cách anh ra sao?
- Bố tôi là người mẫu mực. Ông được đồng nghiệp cơ quan và láng giềng kính trọng. Ông rất nghiêm khắc và chỉ dạy con qua hành động chứ không mấy khi nói chuyện. Lúc nhỏ tôi rất sợ bố. Phương pháp giáo dục của bố tôi là nếu có chuyện thì cứ ra roi quật con mình trước. Vì thế, tôi muốn hư cũng không dám. Mẹ tôi thì hiền hậu và hay bênh tôi. Mẹ tôi cảm nhận âm nhạc rất tốt nên có thể tôi có năng khiếu nhờ mẹ.
Còn thời sinh viên của anh có gì vui?
- Vẫn là âm nhạc thôi. Hồi ấy, tôi tham gia ban nhạc của trường mà thành viên đàn địch trống phách không có ai dám làm thủ lĩnh nên gọi đùa là ban "Không có vua". Ban nhạc sinh viên nhưng cũng được đi biểu diễn ra ngoài mấy đảo ở vịnh Hạ Long. Một trong số thành viên ban nhạc thời ấy giờ đây vẫn chơi nhạc với tôi trong nhóm tác giả M6 là nhạc sĩ Trần Đức Minh.
Sau thời gian thành công với các ca khúc dành cho giới trẻ, vì sao anh chuyển hướng sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi?
- Chúng ta chỉ già nhăn nhúm cái vỏ bên ngoài chứ bên trong thì tôi nghĩ mình vẫn ở tuổi nhi đồng. Tôi vẫn là bạn của nhi đồng và có thể viết được mọi cảm xúc của tuổi này. Thực ra tôi vốn là một người chuyên viết theo đặt hàng. Cô bạn Hoài Phương chuyên hát cho thiếu nhi nên luôn yêu cầu chương trình ngày 1-6 này anh viết cho em một bài về con chó, Trung thu tới anh viết cho em bài về con khủng long, vở nhạc kịch tới anh viết một bài về tình bạn... Thế là bài hát của tôi có đủ các con vật từ gà, chó, voi, khủng long... Một người nữa cũng hay đặt hàng tôi viết cho trẻ em là tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.
Ngoài đơn đặt hàng, để có các ca khúc hay cho thiếu nhi như thế, phải chăng có liên quan đến sự ra đời của cậu con trai và khi anh lập gia đình?
- Thực ra tôi chưa viết được cho chính con mình bài nào nhưng vợ tôi dù không học nhạc cũng tự sáng tác được 4 ca khúc cho đứa con đầu tiên. Tôi thì mải chơi với con lại quên mất không viết gì tặng con cả.
Niềm vui của anh hàng ngày, ngoài công việc, đó là quan sát sự lớn khôn hàng ngày của cậu con trai và cô con gái của mình?
- Tôi có thói quen ghi chép lại những câu chuyện ngộ nghĩnh của con từ khi chưa biết nói tới 10 tuổi. Sau tuổi này thì ít có chuyện hay bởi vì sự ngộ nghĩnh đã thay bằng lý trí. Việc ghi chép cho tôi biết một đứa trẻ biết làm gì trước 1 tuổi, biết dùng bao nhiêu từ khi 18 tháng, có lý sự gì khi 3 tuổi... Riêng cậu con trai lớn tôi chép được khoảng hơn 500 chuyện. Bạn bè vào Facebook đọc cười vui vẻ. Đấy là niềm vui không hề nhỏ.
Anh làm thế nào để cân bằng được sự bay bổng trong tinh thần của một nghệ sĩ, với công việc hàng ngày của một họa sĩ thiết kế?
- Sự bay bổng có sẵn trong máu. Tính kỷ luật có sẵn trong não. Tôi chuyên làm theo đặt hàng. Mục tiêu xác định rõ thì cảm xúc sẽ không phá hỏng mục tiêu. Có 2 dạng đơn đặt hàng. Một do khách đặt, hai do chính mình đặt mình. Dù là ai đặt thì tính mục tiêu vẫn rõ ràng.
Những lúc rảnh, thú vui của anh là gì?
- Lúc rời công việc thì tôi thích đi đâu đó xa ngôi nhà của mình. Xuyên Việt chẳng hạn. Khi đi xa thì không vẽ được nhưng có thể chụp ảnh phong cảnh. Cuối tuần thì tôi cùng nhóm tác giả M6 chơi nhạc cho nhau nghe tại nhà của thủ lĩnh nhóm. Ở đây có đầy đủ đàn địch trống phách để thể hiện mình. Ở đó các thành viên M6 vừa biểu diễn vừa làm nhà phê bình rất nghiêm khắc nhưng cũng rất vui vẻ.
Dự định mới của anh?
- Trước mắt, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh muốn tôi viết cho thiếu nhi một vở nhạc kịch cho trại hè. Tôi cũng quen viết kịch bản nên việc này hy vọng sẽ tốt.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này.