Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn ngoại

Thanh Giang 04/06/2019 08:00

Tính đến nay, riêng TP HCM có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 8.112 dự án. Tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD.

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn ngoại

Nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào nhiều ngành nghề khác nhau.

Vốn ngoại vào nhiều

Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm 2019 vừa được công bố bởi Grant Thornton ( Nhà cố vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới) cho thấy, các nhà đầu tư tư nhân đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mới ở khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tính đến cuối năm 2018, TP HCM có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với 8.112 dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD.

Singapore là quốc gia đứng hàng đầu trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam, bà Leow Siu Lin, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP HCM cho biết, Singapore đang tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam. Riêng tại TP HCM, Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu với tổng số vốn đầu tư tích lũy là 10,7 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Singapore có 2.169 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 47,9 tỷ USD, đứng thứ 3/130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Các doanh nghiệp của đảo quốc Sư tử đầu tư chủ yếu theo hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và liên doanh.

Đứng trong hàng đầu về đầu tư vào Việt Nam, đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM thông tin, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của doanh nghiệp Nhật Bản. Theo thống kê, năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam với khoảng 8 tỷ USD. Số dự án cấp phép đầu tư từ Nhật Bản là 630 dự án, tăng 3 năm liên tiếp và đạt con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó ngành lưu thông bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại TP HCM, tính đến tháng 11/2018, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm của thành phố với 1.247 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỷ USD.

Grant Thornton dự báo, 6 nhóm ngành tại Việt Nam có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới bao gồm: công nghệ, tài chính, giáo dục, năng lượng tái tạo, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử, vận tải, giao nhận.

Cần cải thiện môi trường đầu tư

Lý giải nguyên nhân thu hút vốn ngoại, các chuyên gia khẳng định có nhiều yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Thứ nhất, kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam thu hút tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD trong 2018, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Thứ hai, cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước được dự báo sẽ được đẩy mạnh vào năm 2019. Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng những điều kiện thuận lợi từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Bà Leow Siu Lin khẳng định, doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều bởi môi trường đầu tư được cải thiện cùng các chính sách ưu đãi nhà đầu tư hấp dẫn mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện. “Việt Nam là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á nhờ các chính sách đầu tư hấp dẫn, chi phí sản xuất hợp lý, nguồn nhân lực dồi dào, quy trình cấp phép cũng như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất được cải thiện”, ông Faizal Izany Mastor - Lãnh sự quán Malaysia, Phòng Thương vụ (MATRADE) tại TP HCM nhấn mạnh.

Đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam song các DN nước ngoài băn khăn những hạn chế về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính mà Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn. Ông Faizal Izany Mastor mong, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài về cơ sở hạ tầng giao thông tích hợp, chính sách bền vững trong việc quản lý chi phí kinh doanh, thủ tục hành chính minh bạch và đơn giản. Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, việc kiểm tra sau nhập khẩu thường xuyên là không cần thiết. Trong đó, kiểm tra thuế đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thanh Giang