Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan nhanh

Nhóm phóng viên 04/06/2019 08:00

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 3.508 xã, 337 huyện của 52 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.167.289 con. Ngoài ra, đã có 112 xã, thuộc 61 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Theo nhận định của ngành Thú y tỉnh Bạc Liêu, dù bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện trên địa bàn trong 4 ngày qua nhưng diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng ra toàn địa bàn. Nguyên nhân là do việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn từ vùng có dịch sang vùng không có dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, do tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, người dân chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; chưa xây dựng được vùng, cơ sở an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, mặc dù tỉnh thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhưng dịch bệnh vẫn xâm nhập và tái phát. Điều này cho thấy, khâu kiểm soát vận chuyển, mua bán, giết mổ còn nhiều kẽ hở. Nhiều chốt kiểm dịch, phun xịt hóa chất còn mang tính hình thức. Đáng chú ý là ổ dịch tại Trại lợn giống của tỉnh ở xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi - nơi có quy trình kỹ thuật chăn nuôi được kiểm soát khá nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra dịch bệnh, với tổng đàn lợn tiêu hủy gần 200 con. Cùng đó, khâu kiểm soát giết mổ, mua bán chạy chợ cũng chưa tốt mặc dù tại các lò giết mổ đã được bố trí cán bộ thú y trực 24/24 giờ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu, tính đến trưa ngày 3/6, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 6 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã gồm: Châu Thới, Châu Hưng A và Long Thạnh của huyện Vĩnh Lợi với số lợn tiêu hủy là 387 con. Ngoài ra, địa phương còn ghi nhận nhiều nơi có lợn chết và đang được ngành thu ý lấy mẫu xét nghiệm, xác định bệnh.

Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp, khó lường; việc phòng chống dịch không đơn giản vì tập quán nuôi lợn của nhiều hộ dân tại địa phương lạc hậu, phương thức nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 80%. Tại Nghệ An, tuy hiện nay nhiều địa phương vẫn duy trì các trạm chốt chặn, nhưng do lực lượng mỏng, địa hình phức tạp nên việc kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn từ ngoài tỉnh vào địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện phòng chống dịch tả lợn châu Phi nghiêm túc hơn; trong đó có việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 272 hộ nuôi ở 66 xã, thuộc 14 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Nghệ An; đã có 1.598 con lợn, tổng trọng lượng trên 64 tấn bị tiêu hủy. Hiện nay tại Nghệ An vẫn đang có 58 xã thuộc 11 huyện đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Đối với tỉnh Kon Tum, sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện biên giới Ia H’Drai vào cuối tháng 5, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu UBND huyện Ia H'Drai phải sớm khống chế dập tắt ổ dịch. Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu huyện Ia H’Drai tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc trong những vùng bị bệnh; quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn ra vào địa bàn huyện; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn theo quy định.

UBND tỉnh giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum khẩn trương phối hợp với UBND huyện Ia H'Drai tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, không để bệnh lây lan ra diện rộng... Theo báo cáo của UBND huyện Ia H'Drai, đến nay cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 72 con lợn.

Nhóm phóng viên