Xây dựng pháp luật và lồng ghép với bảo vệ môi trường

Tuệ Phương – Tiến Đạt 04/06/2019 13:21

Tại buổi hội đàm giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đã trân trọng sự chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật và lồng ghép với BVMT của nước bạn. Qua đây, cho thấy trách nhiệm của Mặt trận và các thành viên Mặt trận trong việc giám sát xây dựng chính sách, BVMT của Việt Nam cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn.

Xây dựng pháp luật và lồng ghép với bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại cuộc hội đàm.

Ngày 4/6, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội đàm với Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp.

Về phía Việt Nam có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Về phía Cộng hòa Pháp có ông Jeam Marie Cambaceres, Chủ tịch Ban Châu Âu và Quốc tế, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp (CESE), bà Laurence Mezin, tùy viên phụ trách hợp tác, Trưởng phòng quản trị và pháp luật Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và các vị thành viên trong đoàn Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường tham dự.

Tại buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đã chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam. Để tăng cường hợp tác giữa hai nước, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị Chính phủ Pháp ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Khẳng định của MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho rằng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đã và đang là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21, Việt Nam không nằm trong ngoại lệ. BVMT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Với vị trí, vai trò của mình, MTTQ Việt Nam rất coi trọng nhiệm vụ BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, năm 2003, MTTQ Việt Nam đưa nhiệm vụ BVMT là một trong 6 nội dung quan trọng của Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC”.

Xây dựng pháp luật và lồng ghép với bảo vệ môi trường - 1

Ông Jeam Marie Cambaceres phát biểu tại cuộc hội đàm

Năm 2005, MTTQ Việt Nam đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”.Từ năm 2013 đến nay, MTTQ Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm và Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT”. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và nhân rộng hàng nghìn mô hình điểm với tên gọi, hình thức, nội dung hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Về giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho rằng,, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực BVMT, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT trong quản lý Nhà nước, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; tổ chức góp ý kiến, phản biện xã hội vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, như: dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; dự thảo Luật Khí tượng thủy văn…; đã phối hợp tổ chức các đợt giám sát việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở các bờ sông và tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhân dân; về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, các bãi tập kết rác thải; việc sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương...

Để phát huy tối đa các nguồn lực và vận động các tôn giáo tham giam BVMT, năm 2015, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Qua hơn 3 năm triển khai, đến nay, trên cả nước đã có gần 1.000 mô hình các tôn giáo đang hoạt động hiệu quả. Việt Nam là nước chịu ảnh ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; trình độ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu; năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Vì vậy, rất cần sự hợp tác, chia sẽ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh tài đề nghị ông Jeam Marie Cambaceres, Chủ tịch Ban Châu Âu và Quốc tế và Hội đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp quan tâm hợp tác, chia sẽ, giúp đỡ Việt Nam trong BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như: “Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông, vận động các tổ chức, người dân BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong BVMT; vận động các tổ chức, cộng đồng quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như: KHCN, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí…; vận động các tổ chức, cộng đồng quốc tế quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông, giảm thiểu xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường…”, ông Phùng Khánh Tài gợi mở.

Xây dựng pháp luật và lồng ghép với bảo vệ môi trường - 2

Quang cảnh buổi hội đàm.

Ủng hộ Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Jeam Marie Cambaceres cho biết, trong quá khứ, chúng tôi có Luật loại bỏ rác thải. Tuy nhiên, với tư cách là người đấu tranh ở thời điểm đó, chúng tôi cho rằng cần khai thác giá trị từ rác thải hơn là loại bỏ chúng. Chúng tôi nhận thấy nên dừng lại việc giải quyết rác thải. Chúng ta nên đi theo việc giảm thiểu hơn là tái chế. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế. Rác thải là điểm cuối trong cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên.

Trong hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên, chúng tôi bảo vệ các loài động vật quý hiếm, và câu hỏi đặt ra là chúng phải chịu ảnh hưởng từ rác thải như thế nào. Vào những năm 1970, chúng tôi có một sáng kiến. Chúng tôi thu thập các bao nhựa ở cuối thủ đô Paris và mang chúng đến tái chế tại các nhà máy và người dân hưởng ứng rất tích cực. Sau đó, chúng tôi đã nhận được những khoản hỗ trợ từ địa phương. Chúng tôi cũng nhận ra chúng tôi đã bắt đầu hình thành được ý thức tái chế rác thải cho người dân.

“Các tổ chức kinh tế - xã hội đang nhận thức được tầm quan trọng của việc BVMT. Năm 2010, Hội đồng KT-XH đã đưa vấn đề môi trường vào, nhiều người đã phản đối. Tuy nhiên, dần dần đã có những thay đổi. Trong số 230 Ủy viên, chúng tôi đã dành 30 chỗ cho các Ủy viên về vấn đề môi trường. Các vị trí được đề xuất từ các tổ chức và có ý kiến thông qua của Thủ tướng hoặc được bổ nhiệm trực tiếp bởi Thủ tướng. Giới chủ, công đoàn, những người hoạt động môi trường có thể cùng bắt tay hành động.

Điều này đã diễn ra tại Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Môi trường dẫn tới việc nhiều ủy viên đã thay đổi quan điểm của mình về môi trường và công bằng xã hội. Hoạt động này đã tác động lan tỏa ra ngoài phạm vi Hội đồng, nhiều hình thức đồng thuận mới ra đời nhằm tạo sự gắn kết giữa các tổ chức xã hội dân sự khác nhau. Công đoàn, doanh nghiệp thực sự hành động vì môi trường, với các phong trào xã hội khác”, ông Jeam Marie Cambaceres chia sẻ.

Xây dựng pháp luật và lồng ghép với bảo vệ môi trường - 3

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài tặng quà lưu niệm cho Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp.

Kết thúc buổi hội đàm, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài trân trọng sự chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật và lồng ghép với BVMT của nước bạn. Qua buổi hội đàm cho thấy trách nhiệm của Mặt trận và các thành viên Mặt trận trong việc giám sát xây dựng chính sách, BVMT của Việt Nam cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn. Đây là kinh nghiệm quý báu không chỉ của Mặt trận mà còn là kinh nghiệm quý báu đối với Chính phủ Việt Nam để người dân được sống trong môi trường tốt hơn, trong lành hơn.

Tuệ Phương – Tiến Đạt