Gian nan xử lý ô nhiễm kênh rạch
Dù tác động đến đời sống bức thiết của hàng chục triệu người dân TP Hồ Chí Minh, nhưng việc cải tạo kênh rạch đã và đang là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của chính quyền thành phố. Hàng chục ngàn tỷ đồng cùng nhiều dự án được phê duyệt, thế nhưng đến nay chưa một dòng kênh, rạch nào đi qua khu vực trung tâm thành phố có được một môi trường nước thực sự bình thường, không bị ô nhiễm.
Không chỉ có ô nhiễm, lấn chiếm hành lang mà việc xây dựng nhà ở trên mặt nước kênh rạch cũng là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua.
Qua khảo sát thực tế thời gian gần đây của các cơ quan hữu trách, có thể thấy rõ hiện nay kênh rạch ở TP HCM đang tiếp tục bị ô nhiễm trầm trọng. Những tuyến kênh như kênh 19/5, kênh Đôi, kênh Tàu Hũ, kênh Vàm Thuật, kênh Tân Hoá-Lò Gốm, kênh Nước Đen, kênh Tham Lương-Bến Cát… đều có thực trạng mặt nước màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Thậm chí, lợi dụng những đợt mưa xảy ra vào đêm, một số cá nhân, doanh nghiệp còn đổ trộm, xả thải trộm các chất thải cấm, độc hại khiến tình trạng ô nhiễm diễn ra vô cùng nặng nề. Đặc biệt, một số tuyến kênh nằm sát sông Sài Gòn cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm khi thuỷ triều xuống do nằm giữa khu dân cư đông đúc.
Ngoài ra, nhiều tuyến kênh rạch bị lấn chiếm, xây nhà vô tội vạ không được kiểm soát lên đến hàng chục ngàn căn trên mặt nước như ở khu vực kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Phú Định… khiến cho hành lang kênh rạch, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng này đã xuất hiện ở thành phố nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để, đúng đắn nên ngày càng trầm trọng. Đến nay có một số tuyến kênh đã thực sự “chết” khi quá ô nhiễm, rác thải tràn lan làm mất đi khả năng thoát, trao đổi nước. Môi trường nước tù đọng, tiềm ẩn những dịch bệnh khó lường như một số tuyến kênh ở quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh.
Điều đáng báo động là nhiều tuyến kênh được cho là đã hoàn thành việc cải tạo, tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không duy trì được sự trong xanh. Điển hình như tuyến kênh Tân Hoá-Lò Gốm dài hơn 19km đi qua quận 6, 11, Tân Phú. Dự án cải tạo tuyến kênh này gồm cả việc xây đường sá ven kênh đã tiêu tốn tổng số tiền lên tới gần 5.000 tỷ đồng hoàn thành năm 2015 nhưng chất lượng nước của kênh không thay đổi nhiều.
Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, công tác cải tạo kênh rạch ở TP HCM nằm trong các dự án hạ tầng đô thị nhưng việc duy trì sự xanh, sạch cho môi trường nước kênh rạch lại lệ thuộc ý thức người dân. Ai cũng biết, mỗi dòng kênh đi qua các quận trung tâm ở TP HCM luôn có hàng triệu người sinh sống ven kênh. Nếu ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân này không cao, họ sẽ xả thẳng những chất thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày ra kênh rạch mà không qua quá trình xử lý thì vấn nạn ô nhiễm kênh rạch không bao giờ được giải quyết. Dù có bỏ ra bao nhiêu tiền, với công nghệ hiện đại cỡ nào thì kết quả cũng không được như ý muốn.
Ở TP HCM chỉ còn một số tuyến sông chính như sông Sài Gòn, Soài Rạp, Mương Chuối… có môi trường nước không ô nhiễm, vẫn giữ được sự trong xanh do nằm liền kề với biển, chịu sự tác động trực tiếp từ biển thông qua chế độ thuỷ triều mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều dòng kênh bị ô nhiễm lại nối với sông Sài Gòn, dòng sông đang có nhiệm vụ điều tiết nước cho các nhà máy xử lý nước phục vụ hàng triệu người dân.
Các chuyên gia tính toán rằng, ngay cả các nhà máy nước nằm phía trên (thượng nguồn) sông Sài Gòn như Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) cũng bị ảnh hưởng nếu nguồn nước gây ô nhiễm nằm phía dưới ở sông Sài Gòn. Bởi sông Sài Gòn không chỉ chảy xuôi như tự nhiên mà khi thuỷ triều lên sẽ đẩy một lượng lớn nước từ phía dưới lên thượng nguồn. Đó là lý do không ít lần các nhà máy xử lý nước sạch phải cảnh báo về chất lượng nguồn nước thô ở sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm.
Không khó để chỉ ra nguyên nhân khiến kênh, rạch ở thành phố bị “bức tử” như hiện nay. Một là ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân, doanh nghiệp trong khu vực chưa cao. Hai là các dự án cải tạo, làm sạch kênh rạch đều manh mún, triển khai chậm chạp và không hiệu quả như dự kiến. Nhiều tuyến kênh rạch được cải tạo kéo dài tới 10 năm vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (như Dự án kênh Tham Lương-Bến Cát) thì rất khó để hy vọng dòng kênh ấy sẽ hồi sinh. Hay như Dự án di dời nhà ở ven kênh rạch dù đã triển khai hàng chục năm cho tới nay, số nhà ở ven kênh đang ngày càng nhiều hơn.
Có thể nói, nhiều năm nay chính quyền TP HCM vẫn loay hoay với việc cải tạo hệ thống kênh rạch từ những dự án hạ tầng còn dang dở cho tới những kênh rạch đã cải tạo xong nhưng nguồn nước vẫn còn ô nhiễm. Có nhiều giải pháp được đưa ra, như một doanh nghiệp từng đề xuất giải pháp trang bị hệ thống máy bơm công suất lớn dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè để làm cho nước kênh lưu thông nhiều hơn, giảm bớt sự ô nhiễm. Nhưng rồi phương án này có vẻ không khả thi nên nhiều năm qua TP HCM vẫn duy trì phương pháp thủ công là thuê công nhân đi ghe, thuyền trên kênh để vớt rác đưa lên bờ. Và đó vẫn chỉ là cách làm hạn chế ô nhiễm chứ không bao giờ giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch như hiện nay.