Thư viện tư nhân: Số lượng chưa song hành với chất lượng
Trong quá trình phát triển văn hóa đọc, ngoài các sự kiện về hội sách, ngày sách hoặc các sự kiện liên quan đến sách… thì hệ thống thư viện, tủ sách cá nhân đóng góp một phần không nhỏ. Tuy nhiên bên cạnh sự gia tăng về số lượng thì chất lượng và hướng phát triển của nhiều thư viện tư nhân vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Đọc sách tại thư viện tư nhân tại xã Dương Liễu (Hà Nội).
Tín hiệu khởi sắc
Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết “Hoạt động thư viện tư nhân có phục cộng đồng” nhằm tìm hướng nâng cao văn hóa học.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước có 102 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Trong đó, có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện thư nhân với hình thức của các thư viện do gia đình, dòng họ. Tính đến thời điểm hiện tại, số người sử dụng thường xuyên tại thư viên tư nhân lên tới hơn 500 nghìn người. Hàng năm, thư viện tư nhân nhận luân chuyển sách báo từ thư viện công cộng là hơn 26 nghìn bản.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, thư viện cơ sở đã trở thành quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Tại một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở, các thư viện không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em học sinh kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ. Nhiều thư viện cơ sở đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân... Phương thức hoạt động của thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không ngừng được đổi mới. Số lượng thư viện có áp dụng công nghệ thông tin đã lên tới 0.026%, người dân đã có điều kiện tiếp cận với máy tính và internet tại thư viện; gần 20% số thư viện xã được trang bị máy tính. Tỷ lệ này tuy chưa cao nhưng cũng là bước phát triển vượt bậc so với trước năm 2009.
Tháo gỡ để phát triển
Thế nhưng, đồng hành với sự gia tăng về số lượng có một nghịch lý là phần lớn các thư viện tư nhân và không gian đọc đều hoạt động không đăng ký, xin phép vì nhiều lý do. Cùng với đó, do thiếu kinh phí, nguồn vốn bổ sung sách nên nhiều thư viện hoạt động thiếu hiệu quả, manh mún. Đơn cử như thư viện dòng họ Nguyễn Bá ở Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) có gần 1000 đầu sách. Nguồn sách của thư viện chủ yếu là do con cháu trong dòng họ đóng góp và do Thư viện Ba Vì hỗ trợ luân chuyển định kỳ.
Thế nhưng, chính ông Nguyễn Đình Chiến- người trông coi thư viện, cũng thừa nhận: “Thư viện hoạt động ngay tại địa điểm nhà thờ họ nên khá rộng rãi, phù hợp cho việc giáo dục truyền thống hiếu học của dòng họ. Thế nhưng, do dòng họ còn nghèo nên kinh phí đóng góp cho việc bổ sung sách báo hạn hẹp. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng như dành một khoản kinh phí cố định hàng năm để bổ sung sách”.
Ngoài ra, có một nghịch lý khác là nhiều thư viện tư nhân có vốn tài liệu rất quý, đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài địa phương, hoạt động hiệu quả và có hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại không duy trì được lâu vì không có người kế cận. Vì thế, khi chủ nhân thư viện ốm, tuổi cao thì thư viện phải đóng cửa.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế này là do sự đầu tư, hỗ trợ thư viện tư nhân và thư viện cơ sở hiện nay còn thấp so với yếu cầu thực tế. Nhận thức của các cấp chính quyền tại các địa phương về thư viện còn chưa đúng mức. Thêm vào đó, năng lực, tính chuyên nghiệp và tâm huyết của nhân viên thư viện tư nhân còn hạn chế. Nguyên nhân là chế độ đãi ngộ dành cho người làm công tác thư viện ở cơ sở còn nhiều bất cập. Một số địa phương còn chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký và triển khai các hoạt động phục vụ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thạch- người sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam cho rằng, thực trạng ít đọc sách của phần lớn người Việt là hậu quả tất yếu của một tiến trình dài thiếu sách và khuyến đọc không được quan tâm đúng mức. Sự lãng phí ấy trong hàng chục năm qua là con số vô cùng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình khai mở dân trí. Để giải quyết vấn đề này thì Tủ sách trong cộng đồng dân cư là một giải pháp”.
Cũng theo ông Thạch, Nhà nước cần nghiên cứu về cấu trúc cộng đồng tại các vùng miền để đưa ra khung chính sách hợp lý, vừa kích thích được các thành viên xã hội làm tủ sách, vừa dễ dàng hỗ trợ các hoạt động của các tủ sách trong các địa bàn dân cư. Cần áp dụng phương thức đơn giản nhưng hiệu quả. Qua thực tế quan sát hoạt động các Tủ sách dòng họ trong hơn 10 năm qua, số lượng bạn đọc chủ yếu là trẻ em. Nhưng mức độ quan tâm bổ sung sách của các thành viên dòng họ chưa nhiều. Số lượng người kiên trì quản lý tủ sách, phục vụ bạn đọc là rất hiếm. Những nơi có Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em thì Tủ sách dòng họ rất ít bạn đọc trong năm học, ngoại trừ trong mùa hè. Ngành giáo dục có hàng trăm nghìn thầy cô giáo ở nông thôn, Nhà nước cần khuyến khích thầy cô giáo làm tủ sách phục vụ học sinh…