Cộng đồng doanh nghiệp phải là đầu tàu sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Việt
Ngày 5/6, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Trung ương Cuộc vận động mong muốn cộng đồng doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải là đầu tàu trong khu vực để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có chất lượng thực sự.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu và thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh.
Hình thành thói quen mua hàng Việt
Báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Ban Dân Vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua 10 năm triển khai Cuộc vận động, nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Người tiêu dùng cũng đã có chuyển biến tích cực trong việc chọn lựa, mua sắm hàng Việt Nam và khuynh hướng, thói quen mua hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng gia tăng. Đồng thời các cấp ủy Đảng, chính quyền, khối MTTQ, sở, ban, ngành, đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm tích cực vào cuộc thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ chính trị về triển khai thực hiện CVĐ.
Về phía doanh nghiệp, CVĐ đã mở ra cơ hội lớn để tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh và là dịp để các doanh nghiệp khẳng định vai trò, trách nhiệm, năng lực sản xuất kinh doanh của mình đối với người tiêu dùng thông qua chất lượng, uy tín thương hiệu của sản phẩm. Từ năm 2009 - 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 194 Hội chợ, triển lãm; phiên chợ, tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Trong đó, tổ chức được 73 Hội chợ, triển lãm thương mại; 41 hội chợ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 15 Hội chợ chuyên đề; tổ chức được nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo và 12 tuần kết nối hàng Việt….
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh và các đại biểu dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận và đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động, từ đó nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối sản phẩm phù hợp với tâm lý, thị hiếu và văn hoá tiêu dùng của nhân dân trên toàn tỉnh.
Theo ông Ninh Văn Thương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hạ Long, để làm được điều này, tỉnh cần tiếp tục xây dựng và cụ thể hóa chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, những vùng chuyên canh trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, phát triển sản phẩm, hàng hóa Việt tới các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Khẳng định vai trò của cấp ủy, chính quyền trong triển khai CVĐ, ông Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, với lợi thế về thu hút khách du lịch, chính vì vậy Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cần tăng cường hoạt động giám sát ATTP, phải xử lý nghiêm đối với những cơ sở sản xuất vi phạm, từ đó tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch và phải lấy tiêu chí người dân làm trung tâm để tạo sức lan tỏa trong sử dụng hàng Việt.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các chương trình bình chọn sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn tỉnh để bà con nông dân biết được những doanh nghiệp có uy tín, sản xuất những sản phẩm có chất lượng, từ đó tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mũi nhọn phát triển.
Quang cảnh Hội nghị.
Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Quảng Ninh sau 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, việc triển khai CVĐ ngày càng đi vào thực chất thông qua các chương trình hành động, chủ trương, chính sách và phương thức hỗ trợ phong phú, phù hợp đối với các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực tế của nhân dân toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cũng tích cực triển khai công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương đến các thị trường trong và ngoài nước để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ được quảng bá, tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống mà còn qua các kỳ Hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại đã có mặt tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch.
“Nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định ý nghĩa chính trị sâu sắc của Bộ Chính trị khi triển khai CVĐ, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong việc vận động nhân dân sử dụng hàng Việt”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Đồng tình với những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai cuộc vận động và những định hướng trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cộng đồng doanh nghiệp cùng thẳng thắng nhìn nhận vần đề và cùng quyết tâm tạo sức lan tỏa của CVĐ tới đông đảo nhân dân trên toàn tỉnh.
Đề cập đến sự tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, đây vừa là cơ hội và vừa là thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính vì vậy, song song với việc phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ theo quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và phải khẳng định được chất lượng đối với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị.
Đặc biệt với sự bùng nổ của thông tin, người dân có nhiều cơ hội để lựa chọn những sản phẩm tương đương về giá cả nhưng vượt trội về chất lượng, chính vì vậy doanh nghiệp trên địa bàn phải bắt kịp xu hướng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về giá cả, chất lượng.
Trăn trở với câu hỏi “Hàng Việt chinh phục người Việt” hay “Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng cộng đồng doanh nghiệp phải là đầu tàu trong khu vực để tạo ra những sản phẩm có uy tín, có thương hiệu, đảm bảo về số lượng, chất lượng để không chỉ đáp ứng cung cấp cho thị trường trên toàn tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.
Xuất phát từ điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi hàng năm thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch với lượng khách quốc tế chiếm trên 40%, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về những sản phẩm mang thương hiệu Việt; đồng thời kiên quyết đấu tranh với vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng.
“Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tin yêu, ủng hộ và lựa chọn các mặt hàng mang thương hiệu Việt, đặc biệt là ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm dịch vụ công, từ đó khẳng định ý trí tự lực tự cường, lòng yêu nước của người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị.
Tại Hội nghị đã trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 16 tập thể và 12 cá nhân; Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh cho 18 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua.