Đẩy lùi tín dụng đen
Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối xã hội bấy lâu nay. Dù các ngành chức năng đã có những biện pháp mạnh, song tín dụng đen như “vòi bạch tuộc” vươn tới mọi ngõ hẻm, kể cả ở vùng sâu vùng xa. Để giải quyết triệt để thực tế này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo…
Ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết tội phạm tín dụng đen thường núp dưới vỏ bọc cơ sở kinh doanh, cầm đồ, các công ty tài chính được cấp phép hoạt động trá hình, hoặc các cá nhân, cơ sở huy động và cho vay bất hợp pháp, góp vốn dưới hình thức chơi họ…Đối tượng đi vay đa phần là hộ nghèo, sinh viên, học sinh… có khó khăn đột xuất về vốn và nhu cầu vay vốn cho tiêu dùng, hoặc một số đối tượng chơi cờ bạc, lô đề…
Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt mấy năm gần đây len lỏi vào các vùng sâu vùng xa, các đối tượng cho vay tín dụng đen thường lách luật, không ghi mức lãi suất. Thậm chí có các gói vay rất ngắn, theo ngày, tuần, tháng (còn gọi là hụi/họ). Vì thế có người vay ban đầu chỉ là 5 triệu nhưng vài tháng sau có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Để đẩy lùi tín dụng đen, theo đại diện Bộ Công an cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
Tín dụng đen là vấn đề lớn của xã hội và để ngăn chặn được hoạt động này cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng ở góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân để góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời, NHNN cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi.
Trong văn bản mới nhất đưa ra các nhiệm vụ đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu cần nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”; tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến.
Về nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, Thống đốc NHNN yêu cầu các Vụ, cục, các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.
Luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO, khi bàn về tín dụng đen cũng đã đưa quan điểm cần cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh những giải pháp về tạo lập khung pháp lý để phát triển môi trường cho tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh và bền vững, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn đầu tư cho nền kinh tế, trong đó có cho vay tiêu dùng, góp phần hỗ trợ, kích thích sản xuất kinh doanh.