Tuyển sinh đại học bằng học bạ: Lo lắng chất lượng đầu vào
Theo thống kê của Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh năm 2019 cả nước có gần 500 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó khoảng 70% là chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại với khoảng gần 150 ngàn chỉ tiêu là xét tuyển bằng các phương thức khác. Trong đó, hầu hết xét tuyển học bạ THPT.
Tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ còn nhiều băn khoăn.
So với năm 2018, tỉ lệ chỉ tiêu của phương thức này tăng hơn 33%. Đáng lưu ý là năm 2019, nhiều trường đại học (ĐH) top đầu cũng dành chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, điều này đang đặt ra những băn khoăn về chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo.
Hiểu đúng về xét tuyển học bạ
Trong mùa tuyển sinh 2019, các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Ngoài xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia 2019, nhiều trường còn sử dụng cả phương thức xét học bạ. Tuy nhiên, không ít thí sinh vẫn còn thắc mắc liệu ghi nguyện vọng vào trường A xét bằng điểm thi THPT quốc gia thì có được xét học bạ vào trường A nữa không? Xét học bạ có giới hạn số trường không? Phương thức tuyển sinh học bạ được đăng ký bao nhiêu trường hiện đang là thắc mắc của nhiều thí sinh…
Trước hết, cần hiểu rõ xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh ĐH dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Việc xét học bạ giúp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh.
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, các thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng và không giới hạn nguyện vọng cho nhiều trường. Quy định này áp dụng cho cả 2 phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, các thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng tại nhiều trường ĐH khác nhau. Đồng thời, khi xét tuyển vào một trường, thí sinh có thể sử dụng học bạ để đăng ký vào nhiều ngành. Khi trúng tuyển, thí sinh có thể tiến hành nhập học vào ngành yêu thích theo thứ tự ưu tiên. Như vậy với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký.
Thống kê sơ bộ cho thấy, mùa tuyển sinh 2019 có khoảng hơn 150 trường xét tuyển học bạ (hệ ĐH, CĐ) trên cả nước. Trong đó, có trường xét tuyển điểm của cả 3 năm học THPT hoặc tương đương, có trường xét điểm của 2 năm, có trường chỉ xét tuyển đối với kết quả học tập của thí sinh ở năm lớp 12.
Trước phương thức tuyển sinh này, nhiều lo lắng đang được đặt ra, liệu chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo có đảm bảo hay không? Và liệu có tình trạng làm đẹp học bạ bậc THPT để phục vụ cho phương thức xét tuyển này?
Có đồng nhất về chất lượng đầu vào?
Đơn cử như Học viện Tài chính xét tuyển năm 2019 Hệ đào tạo Quốc tế chuyên ngành Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán và Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, căn cứ vào 1 trong 5 tiêu chí quy định khi xét tuyển bằng học bạ. Trong đó chỉ cần điểm trung bình của 5 học kỳ (Học kỳ I, II lớp 10; học kỳ I, II lớp 11; học kỳ I lớp 12) đạt từ 6.5 điểm trở lên.
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH lại cho rằng phương thức xét tuyển này không đủ độ tin cậy. Theo GS.TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, quy định như hiện nay đã có sự không đồng nhất kết quả tuyển sinh vì thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có thể có điểm thi thấp hơn thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi THPT nhưng bị trượt. Thậm chí có thí sinh trúng tuyển ĐH bằng xét tuyển học bạ nhưng lại trượt tốt nghiệp THPT… tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Đối với trường ĐH sử dụng cả 2 phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả THPT quốc gia và học bạ thì rất bất hợp lý vì cùng một mục tiêu, cùng một đối tượng mà sử dụng 2 thang đo đánh giá sẽ khập khiễng, không đồng nhất về chất lượng đầu vào.
Còn GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng: Tuyển sinh học bạ là không ổn bởi vì mỗi trường THPT có chất lượng khác nhau, uy tín từng trường khác nhau. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Trên thực tế có sự không tương đồng về chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng; giữa trường chuyên, lớp chọn với các lớp học khác. Khi mặt bằng không tương đồng thì phương thức đánh giá năng lực, chất lượng qua học bạ rõ ràng là không tương đồng.
Ý kiến từ các trường không xét tuyển bằng học bạ đề xuất, Bộ GDĐT nên thành lập trung tâm khảo thí quốc gia về chất lượng giáo dục phổ thông, có tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá khách quan đủ độ tin cậy. Làm được như vậy, các trường sẽ xét tuyển theo hình thức học bạ.