Dân vận khéo ở vùng khó
Sau 10 năm chia tách và thành lập, từ một huyện đặc biệt khó khăn, đến nay Tân Uyên (Lai Châu) đã ra khỏi danh sách 63 huyện nghèo cả nước. Tân Uyên có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy là nhờ công tác dân vận khéo.
Mô hình chăn nuôi theo hộ gia đình thuộc mô hình dân vận giúp nhau cùng phát triển kinh tế tại bản Pá Kim xã Trung đồng, huyện Tân Uyên.
Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Uyên (Lai Châu) Nguyễn Quang Hùng, những năm qua, Huyện ủy Tân Uyên đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của huyện xây dựng trên 600 mô hình, điển hình dân vận khéo.
Các mô hình, điển hình tập trung vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ việc vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục, lạc hậu để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến hiến đất, góp công xây dựng nông thôn mới… Nhờ những mô hình, điển hình dân vận đó, nhiều địa phương của Tân Uyên đã bứt phá vươn lên, tệ nạn ma túy, các hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, kinh tế-xã hội có bước phát triển, đời sống đồng bào được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Hố Mít là một trong hai xã khó khăn nhất của huyện Tân Uyên. Xã có 8 bản, trên 570 hộ, với hơn 3.500 nhân khẩu, trong đó 97% là đồng bào Mông. Những năm trước đây, ngoài là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, Hố Mít còn là vùng đất có hủ tục ma chay, cưới xin dai dẳng, tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vấn nạn tự tử bằng lá ngón xảy ra thường xuyên.
Ông Thào A Sinh- Bí thư Đảng ủy xã Hố Mít (Tân Uyên) cho biết, việc ăn lá ngón, duy trì các hủ tục ma chay, cưới xin đã từng là vấn nạn khiến Đảng ủy xã đau đầu thời gian dài. Trước đây, mỗi lần ở các bản có đám ma, đám cưới người dân tổ chức linh đình, tốn kém. Nhất là đám ma, người dân quen phong tục cũ, người chết không đưa vào áo quan, cứ để nằm trên cáng, chờ đến khi tìm được ngày đẹp mới đưa đi chôn. Nhiều trường hợp để kéo dài đến nửa tháng đã phân hủy rồi mới đưa đi chôn cất, rất mất vệ sinh. Ngoài ra, do để lâu, ăn uống kéo dài khiến nhiều hộ gia đình kiệt quệ sau mỗi lần có đám tang, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó là một phần lý do trong các bản còn nhiều hộ nghèo.
Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Hố Mít đã thành lập các tổ dân vận, xây dựng mô hình, điển hình dân vận tại các bản mà nòng cốt là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, qua đó góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào. Đến nay, hầu hết các bản đều thực hiện nếp sống văn hóa mới, 100% người chết đã được đưa vào áo quan; đám ma, đám cưới đã gói gọn trong hai ngày và không tốn kém tiền của. Toàn xã trong nhiều năm trở lại đây không còn ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết thống, số vụ tự tử bằng lá ngón giảm mạnh theo từng năm.
Để giúp người dân xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập, xã Hố Mít đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, đưa giống cây có hiệu quả kinh tế cao vào thay thế như: cây chè, cây thảo quả, mắc ca… Năm 2018 và quý I/2019, toàn xã đã có gần 80 hộ làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Mục tiêu của xã Hố Mít đến cuối năm 2019 phấn đấu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đang dần thành hiện thực.
Tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), trước đây có một bộ phận lớn người dân thuộc diện tái định cư thủy điện Bản Chát chuyển lên, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Năm 2014, cùng với người dân một số bản tái định cư khác, đồng bào ở các bản tái định cư của xã Trung Đồng đã từng kéo lên huyện tụ tập đông người trong nhiều ngày, đòi hỏi chế độ chính sách tái định cư. Do còn thắc mắc về chế độ chính sách, khi được vận động tham gia xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ tỏ ra thiếu hợp tác. Tuy nhiên, thông qua các tổ, mô hình, điển hình dân vận, chủ yếu là những người uy tín trong bản, sau một thời gian kiên trì vận động, người dân cũng dần hiểu ra vấn đề và ủng hộ chủ trương chung của xã.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Đồng Trường Thị Huế cho biết, chính quyền xã xác định cái khó của đồng bào là vấn đề đời sống, từ đó tập trung xây dựng các mô hình dân vận giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Đời sống có bước thay đổi, tư tưởng người dân cũng cởi mở và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mô hình dân vận khác của xã cũng rất thành công, là tiền đề giúp một bộ phận lớn người dân trong xã thoát nghèo, đó là phát triển cây chè và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Trong đó, xã đã vận động người dân phát triển gần 300 ha chè, gần 100 ha cây mắc ca, cây ăn quả các loại, hàng chục mô hình chăn nuôi tập trung… Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9% (đầu nhiệm kỳ là 40%). Cuối năm 2018, xã Trung Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
* Ông Nguyễn Sỹ Cảnh- Bí thư Huyện ủy Tân Uyên (Lai Châu) khẳng định: Nếu không làm tốt công tác dân vận, khi thực hiện bất cứ vấn đề gì đều vướng, khó thành công. Hiện Tân Uyên đã ra khỏi danh sách 63 huyện nghèo của cả nước. Bình quân thu nhập đầu người trên năm của huyện đạt trên 27 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 14%. Các chỉ tiêu đại hội Đảng bộ huyện đến thời điểm này cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch… Mục tiêu của Tân Uyên đến năm 2020 sẽ trở thành huyện nông thôn mới. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận.