Buýt đường sông đang chệch hướng
Sau khoảng 2 năm đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt đường sông số 1 từ Bến Bạch Đằng (quận 1) đi bến Linh Trung (quận Thủ Đức) tại TP HCM đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trong đó, hầu hết ý kiến đều cho rằng, dù lượng hành khách đi xe buýt đường sông khá đông, thậm chí vượt mức dự kiến nhưng phương tiện này đang phát triển chệch hướng quy hoạch.
Hầu hết hành khách sử dụng buýt đường sông là khách du lịch, thay vì người dân sử dụng để làm phương tiện hàng ngày. Việc chệch hướng này là do các tuyến buýt đường sông chuẩn bị đưa vào sử dụng như tuyến từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (quận 6), Phú Mỹ Hưng (quận 7) rất khó để hoàn thành, phát triển.
Theo ghi nhận thực tế, hiện nay rất ít người sử dụng phương tiện buýt đường sông để di chuyển hàng ngày vì nhiều lý do. Đầu tiên là bất tiện vì phải di chuyển tới bến cảng, rồi từ bến cảng di chuyển tới chỗ làm. Ngoài ra, giá vé toàn tuyến là 15 ngàn đồng/lượt/người chưa kể tiền gửi xe ở bến. Nếu sử dụng buýt đường sông, mỗi người phải mất 35 ngàn đồng/ngày khi đi làm, một con số khá cao so với xe buýt đường bộ.
Mặc dù có nhiều bất tiện với hành khách khi di chuyển thường xuyên, nhưng buýt đường sông lại rất hút khách là người du lịch. Theo đại diện chủ đầu tư khai thác, những ngày cuối tuần thậm chí công ty phải huy động toàn bộ phương tiện vì nhu cầu rất đông người muốn du lịch sông nước, ngắm thành phố từ dưới lòng sông. Đánh giá về hoạt động tuyến buýt đường sông hiện tại, một chuyên gia về giao thông đô thị cho biết, việc tuyến buýt đường sông không phát triển theo đúng định hướng ban đầu là tín hiệu xấu.
Cụ thể như tuyến buýt số 1 dài hơn 10 km nhưng được quy hoạch tới 10 bến cảng neo đậu đón trả khách. Đây là số bến quá nhiều khi nhu cầu thực tế của hành khách chỉ là đi du lịch sông nước, không cần lên các bến này. Hầu hết hành khách hiện nay đi từ bến Bạch Đằng và trở lại cũng ở bến Bạch Đằng nên bỏ tiền của, xây dựng hàng loạt bến sẽ lãng phí, không cần thiết. Ngoài ra, từ nhu cầu thực tiễn của hành khách là chỉ đi buýt đường sông để du lịch cũng cho thấy, rất khó để phát triển thêm các tuyến buýt số 2, số 3… vì ngắm sông nước thì chỉ cần một tuyến, hoặc thay đổi lộ trình của tuyến chứ không nhất thiết phải cố định như hiện nay. Thế nên, nếu thành phố không thay đổi quy hoạch hoặc có phương án điều chỉnh để thu hút lượng hành khách mới mà vẫn tiếp tục xây dựng các dự tuyến buýt đường sông theo lộ trình cũ thì rất khó thành công.
Việc tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TPHCM phát triển chệch hướng quy hoạch ban đầu như hiện nay đã kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường. Vì vậy các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ để có hướng điều chỉnh, thay đổi sao cho đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người dân, tránh những lãng phí không cần thiết.