Thế giới chia rẽ vì công nghệ mạng 5G
Mỹ từng có thời coi nhẹ công nghệ internet của Nga và Trung Quốc. Bị Mỹ xem là tụt hậu về mặt công nghệ và chỉ chuyên đi sao chép các dịch vụ của họ, các nước này không thể nào cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Thế nhưng, giờ đây mọi chuyện đã khác.
Huawei bị mắc kẹt trong cuộc đấu của các nước lớn. (Nguồn: Reuters).
Thành công của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã khiến cho nước Mỹ phải suy nghĩ lại. Nga và Trung Quốc giờ đang tiến rất nhanh tới công nghệ internet thế hệ tiếp theo, và lần này chính nước Mỹ mới đang là bên có rủi ro bị tụt hậu lại phía sau.
Tâm điểm của cuộc cạnh tranh này chính là tập đoàn Huawei của Trung Quốc - nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà tiên phong trong công nghệ mạng 5G. Washington mới đây đã ban hành lệnh cấm Huawei được dính líu tới mạng 5G của Mỹ và đe dọa sẽ ngừng cung cấp các thiết bị và phần mềm của Mỹ cho công ty này. Mỹ cũng thúc giục các nước đồng minh của họ hạn chế hoặc cấm hẳn việc sử dụng trang thiết bị của Huawei cho mạng 5G của họ, cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng cấu trúc dữ liệu nhạy cảm để do thám. Huawei đã liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng sản phẩm của họ gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Trong khi một số thành phố của Mỹ đã rục rịch ngừng sử dụng công nghệ 5G của Huawei, giới phân tích cảnh báo rằng lệnh cấm nhằm vào Huawei có thể khiến Mỹ tụt hậu trong công nghệ 5G so với Trung Quốc. Giờ đây ngay cả Nga - vốn không được xem là một nước tiên phong trong công nghệ - cũng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Bên ngoài nước Mỹ, hiện nay có một làn sóng dấy lên, nhiều bên bối rối không biết liệu có nên lựa chọn thiết bị của Huawei hay là cấm. Điều này trở thành một phép thử chính trị. Những bên muốn cấm trang thiết bị của Huawei đối mặt với rủi ro bị tụt hậu so với thế giới trong việc đi đến giai đoạn phát triển tiếp theo của công nghệ internet và viễn thông.
Hôm thứ Tư tuần này, Huawei đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông lớn nhất của Nga là MTS để phát triển công nghệ mạng 5G và khởi động mạng thế hệ thứ 5 ở nước Nga chỉ trong năm 2020. Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh Trung Quốc đã thông qua gói dịch vụ 5G đầu tiên để sử dụng với mục đích thương mại, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp viễn thông. Huawei sẽ là bên tiên phong trong lĩnh vực đó, bởi họ đã ký được tới 45 bản hợp đồng thương mại mạng 5G với 30 quốc gia trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với một số bên cạnh tranh khá mạnh. Hãng Nokia của Phần Lan đã ký được 12 bản hợp đồng 5G mới chỉ trong vòng 2 tháng qua, trong khi cùng khoảng thời gian này Huawei chỉ ký được có 3. Thực tế này diễn ra bất chấp việc Huawei được đại đa số coi là công ty tiên phong trong lĩnh vực 5G và hoàn toàn đủ khả năng vượt mặt đối thủ bằng cách hạ giá thành.
Công ty Huawei - có trụ sở tại Thẩm Quyến - cũng tự nhận ra rằng họ đang đứng trước tiền tuyến của cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một trong những lãnh đạo chóp bu của công ty này đã bị bắt giữ ở Canada do các cáo buộc mà Mỹ tung ra, công ty này cũng bị loại khỏi thị trường Mỹ, và Washington còn liên tục gây sức ép với các nước đồng minh để đồng loạt “tẩy chay” công ty này.
Trong lúc nhiều quốc gia tiếp tục hướng tới việc phát triển mạng 5G của họ - công nghệ giúp đẩy mạnh tốc độ đường truyền, kết nối nhanh hơn và tăng sức mạnh cho hàng loạt công nghệ khác như xe hơi tự động và thành phố thông minh - một sự chia rẽ rõ ràng đang nảy sinh. Một bên, có nhiều đồng minh của Trung Quốc khẳng định họ không có vấn đề gì với Huawei, ví dụ mới đây nhất là Nga. Bên còn lại, Washington và nhiều đồng minh thân cận của họ đã tuyên bố sẽ tẩy chay Huawei.
Tuy nhiên, đứng ở giữa hai thái cực này là một số quốc gia - phần lớn là các nước có quan hệ thân thiết hơn với Mỹ - đang do dự trong việc cấm Huawei bởi họ nhận thấy rõ sự chậm trễ trong công nghệ mạng 5G và còn cả vấn đề chi phí lắp đặt. Mỹ vốn đã dần tụt hậu so với Trung Quốc xét về mạng 5G, nhưng việc ngăn chặn Huawei dường như không giúp cho họ thu hẹp khoảng cách đó. Mỹ khó có thể bắt kịp Trung Quốc trong lĩnh vực này - chứ chưa nói tới viễn cảnh vượt mặt - giới chuyên gia nhận định.
Nhiều nhà quan sát đã đưa ra viễn cảnh tồi tệ nhất, rằng sự chia rẽ này sẽ dần trở nên lớn hơn, buộc Chính phủ các nước phải chọn bên trong tranh chấp và gây ra sự chia tách giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc tiếp cận thế hệ internet tiếp theo. Điều này sẽ gây ra tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn so với vấn đề lựa chọn công ty nào lắp đặt mạng 5G.
“Tạo ra 2 thái cực công nghệ khác nhau trên thế giới không chỉ có nghĩa rằng các chuỗi cung ứng sẽ bắt chước nhau trên các lục địa khác nhau” - nhà phân tích công nghệ Tim Culpan nói. - “Mà đối với các nước trên thế giới, nó còn có nghĩa rằng mọi quyết định đầu tư hay kinh doanh đều bị chính trị hóa”.