Khơi thông tư duy phục vụ

Nguyên Khánh 10/06/2019 08:00

“Muốn xây dựng nền hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả, phục vụ theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì trụ cột quan trọng nhất chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, có đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu hội nhập”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này khi dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Hành chính Quốc gia diễn ra vào cuối tuần qua.

Khơi thông tư duy phục vụ

Người dân đến cơ quan công quyền đã bớt cảm giác chính quyền “hành dân là chính” như trước.

Minh chứng rõ ràng nhất về việc xây dựng nền hành chính phục vụ chính là công cuộc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đạt tới đích của một Chính phủ kiến tạo liêm chính đã được các bộ ngành địa phương, nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Trong công cuộc cải cách này, cán bộ công chức là trung tâm của mọi sự cải cách. Do vậy, đi kèm với nó rất nhiều chính quyền địa phương, các bộ ngành thậm chí còn đưa ra những quy tắc rất cụ thể cho việc tiếp công dân của cán bộ công chức nhờ đó người dân đến cơ quan công quyền đã bớt cảm giác chính quyền “hành dân là chính” như trước.

Song trong công cuộc cải cách này thực tế cho thấy không ít cán bộ, công chức vẫn còn tư duy hành chính xin - cho, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính chậm được cải tiến, người dân, doanh nghiệp còn kêu ca… Ngay cả với một TP như Hà Nội được cho là có rất nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính thời gian qua bằng việc thăng hạng trong bảng tổng sắp về PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS... cũng còn không ít những tiếng kêu phản nàn của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.

Tại Hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Còn rất nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để. Còn hiện tượng chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng đó, người dân còn phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải, về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, trong khi chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý, có nơi, có chỗ còn có dấu hiệu bao che. Trong khi đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp xã ở một số nơi còn chưa tốt. Người dân vẫn phản ánh về biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra gây bức xúc đối với người dân”.

Ai cũng biết trong cải cách hành chính thì khâu quan trọng nhất vẫn là cán bộ. Bởi mọi sự cải cách sẽ là vô nghĩa nếu cán bộ không chịu chuyển động. Vì vậy, thông qua công tác đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Học viện Hành chính Quốc gia cần phải chuyển tải, khơi thông và truyền bá tư duy hành chính liêm chính, hành chính phục vụ, hành chính kiến tạo trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nước ta, không chỉ khơi thông tư duy phục vụ, dứt bỏ tư duy hành chính xin cho trước đây tồn tại trong những “công bộc” của dân mà còn đào tạo ra những cán bộ vừa hồng vừa chuyên cho đất nước. Bởi “anh có tài, anh có thể nói hay, viết tốt nhưng đức anh kém, gắn với tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu nhân dân thì cái tài đó, viết tốt đó cũng không giải quyết gì mà còn phức tạp thêm cho vấn đề phục vụ hay chỉ đạo cụ thể ở ngành, ở địa phương”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Khâu quan trọng không thể không kể đến trong công tác cán bộ là khâu đào tạo cán bộ. Bởi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cán bộ chưa thấm, chưa ý thức được tinh thần phục vụ thì khi trong công việc khó đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tiễn.

Do vậy, quá trình đào tạo cần đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Theo đó, đào tạo làm sao để khi đánh giá mức độ sử dụng “đầu ra” của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải chủ yếu dựa trên các chỉ số về kết quả giải quyết công việc, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sẽ đánh giá học viên thông qua việc phỏng vấn trực tiếp học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng và ý kiến phản hồi của chính cơ quan đang sử dụng cán bộ, công chức. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cũng có thể yêu cầu học viên xây dựng bản kế hoạch hành động, trong đó đưa ra kế hoạch cụ thể về việc áp dụng những gì đã học vào thực tế công việc... Có như vậy việc đào tạo mới góp phần nâng cao năng lực, chất lượng cho công tác cán bộ.

Nguyên Khánh