Xác định rõ mối quan hệ giữa chính quyền và MTTQ Việt Nam

H.Vũ (ghi) 11/06/2019 07:35

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Xác định rõ mối quan hệ giữa chính quyền và MTTQ Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trao đổi với phóng viên. Ảnh: Quang Vinh.

Quy định còn chung chung, chưa cụ thể

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Ngô Sách Thực- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, kể từ khi được ban hành, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã tạo được hành lang pháp lý để chính quyền địa phương các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bên cạnh những điểm tích cực thì còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định. Trong đó có những vấn đề liên quan đến MTTQ Việt Nam các cấp như: Mối quan hệ phối hợp giữa UBND, HĐND với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể cùng cấp chưa được thuận lợi, công tác tổ chức, tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND chưa được quy định cụ thể trong Luật.

Những hạn chế nêu trên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, có những nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện nhưng cũng có những nguyên nhân liên quan đến các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn chưa thật đầy đủ, quy định còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan hoặc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.

“Đơn cử như quy định tại Điều 15 về Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương. Theo báo cáo của MTTQ các địa phương và ý kiến của các chuyên gia, các quy định tại Điều 15 chỉ mang tính nguyên tắc chung nhưng trong Luật lại thiếu các điều khoản cụ thể hóa các quy định mang tính nguyên tắc này”-Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phân tích.

Đề cập đến quy định trường hợp Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm khi “có kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp” , theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thì quy định này cũng chỉ mang tính nguyên tắc chung, không có cơ chế, quy trình để UBMTTQ Việt Nam thực hiện. Vì vậy trên thực tế từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực đến nay, các địa phương đều không thực hiện được quy định này.

Liên quan đến trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND (Điều 94); và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri (Điều 103 và Điều 112), Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết: Việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn làm theo một khuôn mẫu, chủ yếu là qua hội nghị, trong khi đó người dân ngày càng có nhiều kênh thông tin. Kế hoạch tiếp xúc cử tri của 3 cấp HĐND, của đoàn ĐBQH nhiều nơi còn trùng lặp dẫn đến nhiều nơi người dân ít quan tâm đến hội nghị tiếp xúc cử tri.

Xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên

Từ những bất cập trên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần sửa đổi, bổ sung Điều 15 theo hướng xác định rõ hơn mối quan hệ công tác và quyền, trách nhiệm của mỗi bên (chính quyền địa phương và MTTQ Việt Nam) để phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Theo đó cần bổ sung một khoản mới quy định rõ quan hệ giữa chính quyền địa phương như: HĐND, UBDN với UBMTTQ Việt Nam là quan hệ phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do UBMTTQ Việt Nam và HĐND, UBND cùng cấp ban hành.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, cần sửa Khoản 3 Điều 15 hiện hành theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND, các thành viên UBND, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND có trách nhiệm thông tin kịp thời cho UBMTTQ Việt Nam việc thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời cần sửa Khoản 4 Điều 15 hiện hành theo hướng: Chính quyền địa phương có trách nhiệm tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội địa phương khi thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng chính quyền, tham gia quản lý kinh tế-xã hội, giám sát và phản biện xã hội”.

* Không thể lobby được tất cả ĐBQH: Chiều 10/6, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã cung cấp thêm thông tin về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo ông Phúc, sau kết quả xin ý kiến về hai phương án liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông thì có dư luận không đúng vì đây chưa phải biểu quyết mà là xin ý kiến để hoàn chỉnh Dự án luật trình Quốc hội thông qua. Cụ thể, kết quả phương án “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn” có 44,21% ĐBQH đồng ý. Còn phương án 2 “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” cũng không đủ 50% ĐBQH đồng ý. Ông Phúc cũng cho biết, trước khi đại biểu bấm nút thông qua Luật vào ngày 14/6 tới đây thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có tiếp thu, giải trình về vấn đề này. Liên quan đến việc dư luận đặt ra vấn đề có lợi ích nhóm tác động đến quá trình làm luật khi trong quá trình làm Luật này có đại biểu được mời đi tham quan ở nước ngoài sau đó về phát biểu ủng hộ công nghiệp rượu bia, ông Phúc khẳng định, không thể lobby được hết tất cả các đại biểu.

H.Vũ (ghi)