Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, có thể nói, phòng vệ thương mại là vũ khí được nhiều quốc gia đưa ra để bảo vệ sản xuất trong nước. Đó cũng là lý do tại sao, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) Việt gặp phải nhiều vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường thế giới đến vậy.
Chế biến thủy sản xuất khẩu.
19 quốc gia khởi kiện 146 vụ
Theo Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 146 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hầu hết là các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Trong số đó, nước khởi xướng điều tra nhiều nhất phải kể đến Mỹ; tiếp sau là Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Ấn Độ và thứ tư là EU… Những thị trường kể trên hầu hết là thị trường khó tính, và luôn tìm cách đưa ra những công cụ để bảo hộ sản xuất trong nước.
Giới chuyên gia nhận định, tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều.
Với 146 vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam gặp phải tại 19 quốc gia, có thể thấy, hàng hóa của chúng ta luôn phải đối diện với những rào cản, khó khăn khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Chưa hết, nếu như trước kia, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thuỷ sản, da giày mới bị kiện thì nay, các quốc gia nhập khẩu còn đưa ra cả những rào cản đối với các mặt hàng có kim ngạch nhỏ. “Có thể nói, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại” – ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), nhận định.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Trưởng phòng Phòng vệ thương mại Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, phần lớn các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều xuất phát từ việc các nhà sản xuất ở thị trường nhập khẩu cảm thấy bị đe dọa trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Phía Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Bộ đã luôn đồng hành cùng DN ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. “Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đối tượng liên quan, Bộ Công thương đã kháng kiện thành công 41 vụ việc. Bộ cũng đã khiếu kiện 5 vụ ra WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực, 2 vụ đang trong quá trình xét xử” – Bộ Công thương nêu rõ. Cùng đó, Bộ cũng đã vận hành hệ thống cảnh báo sớm giúp DN trong nước tránh tình trạng kiện tụng khi đưa hàng hóa ra thị trường xuất khẩu. Hiện nay, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương cũng đang xây dựng Đề án Tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại trình Chính phủ phê duyệt để hỗ trợ DN tốt hơn nữa.
Nhà quản lý bảo vệ sản xuất trong nước
Không chỉ chủ động trong việc hỗ trợ DN đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại thị trường thế giới, Bộ Công thương cho hay, đã và đang tích cực, chủ động hoàn thiện khung khổ pháp lý, triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Hiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại đã được Bộ Công thương hoàn thiện tương đối đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao đã được phê duyệt và đi vào thực thi. Bộ cũng đang thực hiện 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, bao gồm: Khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Theo kế hoạch, các dịch vụ công này sẽ kết nối với hệ thống hải quan một cửa để tạo thuận lợi tối đa cho DN trong quá trình thực hiện.
Theo Bộ Công thương, khung khổ pháp lý về vấn đề phòng vệ thương mại đầy đủ đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước và DN có công cụ hữu hiệu bảo vệ sản xuất trong nước. Từ năm 2016 đến nay, Bộ đã áp dụng 6 biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước đối với một số mặt hàng: Phân bón DAP, bột ngọt, sản phẩm sắt thép. Các biện pháp phòng vệ thương mại được triển khai đã bảo vệ việc làm của gần 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Đơn cử đối với phân bón DAP, trước năm 2009, khi Việt Nam không sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP bị đẩy lên ở mức rất cao 18.000 đồng/kg, khiến chi phí trồng lúa và các loại cây trồng khác tăng cao. Tuy nhiên, sau khi 2 nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục còn khoảng 8.000 đồng/kg.