Chặn trục lợi chính sách người có công- Bài cuối: Phát huy vai trò giám sát của nhân dân
Theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VA VA), bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ các chính sách ưu đãi đối với Người có công ( NCC) thì việc rà soát lại hồ sơ, xác minh thông tin nhằm đưa những trường hợp hưởng không đúng, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ ra khỏi danh sách nhận ưu đãi của Nhà nước là việc làm vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên công việc này cũng hết sức nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi việc phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chăm sóc sức khỏe người có công.
Không để mất lòng tin
Báo cáo của Bộ LĐTB&XH trong năm 2018 đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến việc trục lợi từ chính sách người có công diễn biến phức tạp như trong thời gian qua, trước hết do sự thiếu trung thực của người xác lập hồ sơ. Bên cạnh đó, là việc tiếp tay, thiếu trách nhiệm của những cán bộ chính sách trong thực thi công vụ. Thực tế hiện nay, có những đường dây chuyên “chạy” chế độ chính sách ưu đãi. Và để làm được điều này, rõ ràng phải có sự giúp sức, tiếp tay của những cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ.
Đơn cử như trong năm 2018 Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương đã phát hiện những cán bộ liều lĩnh giả mạo chữ ký để chiếm đoạt số tiền chính sách lên đến hàng trăm triệu đồng. Có những trường hợp người hưởng chính sách đã qua đời, song cán bộ phụ trách hồ sơ vẫn không báo lên cấp trên, để cắt giảm các chế độ mà vẫn tiếp tục lập danh sách chi trả, để hưởng lợi bất chính.
“Trục lợi chính sách NCC không chỉ gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước mà còn là hành vi làm tổn thương với những NCC với cách mạng, với đất nước. Chúng ta không thể để tình trạng này tái diễn, để lấy lại sự công bằng, nghiêm minh trong thực thi chính sách ưu đãi với NCC cần xử lý nghiêm những đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ để trục lợi, cũng như những cán bộ biến chất tiếp tay cho những hành vi sai trái” – Trung tướng Nguyễn Thế Lực nói.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, đòi hỏi sự trung thực rất lớn từ những người tham gia quá trình xây dựng hồ sơ NCC để bịt kín những kẽ hở mà những kẻ trục lợi có thể lợi dụng. Cùng với đó, ngành LĐTB&XH cần tăng cường hơn nữa năng lực và hoạt động thanh tra công tác NCC để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay những hành vi trục lợi chính sách từ lúc manh nha.
Phát huy vai trò giám sát
Nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, theo kế hoạch, tháng 9/2019, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11/2019. Việc sửa đổi Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, công bằng trong việc thực hiện chính sách NCC.
Theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, việc sửa đổi Pháp lệnh NCC là yêu cầu cấp thiết hiện nay bởi chính sách NCC là để bù đắp một phần sự mất mát, đau thương đối với những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh, là trách nhiệm của chúng ta phải thực hiện. Hành vi lợi dụng chính sách NCC để trục lợi là vi phạm pháp luật, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết vi phạm cần phát huy cơ chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch và giám sát của nhân dân.
“Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013, năm 2014 Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Thông qua cuộc rà soát hàng nghìn hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết kịp thời, mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, thông qua rà soát những hành vi làm giả giấy tờ, trục lợi chính sách đã được mang ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân. Đáng ghi nhận thông qua sự phối hợp đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc giám sát số người đang hưởng chế độ cũng như lập hồ sơ xét duyệt NCC. Điều này cho thấy vai trò của Mặt trận trong việc giám sát, minh bạch hồ sơ hưởng NCC vô cùng lớn” – Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho biết.
Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Hữu Ý- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng cũng cho rằng, việc rà soát chính sách NCC đặc biệt là với đối tượng là người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học là việc làm không đơn giản. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, rất cần phát huy cơ chế phối hợp liên ngành trong đó là vai trò giám sát của Mặt trận trong quá trình xác lập hồ sơ NCC còn tồn tại. Hiện nay dù việc rà soát hồ sơ tồn đọng đã hoàn tất nhưng để thực hiện tốt chính sách chăm sóc cho nạn nhân da cam, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ thực hiện giám sát chuyên đề đảm bảo chính sách đến đúng người, đúng đối tượng đồng thời tuyên truyền vận động xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ giúp nạn nhân da cam xóa đói giảm nghèo.
Đánh giá vai trò của cơ chế phối hợp liên ngành, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cũng khẳng định: Để hoàn thành chỉ tiêu của Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Việc làm này cần phải xử lí hết sức căn cơ, phải làm công khai, minh bạch.Chính vì vậy cần phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng. Trong đó, thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi NCC sinh sống; phát huy Quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ.