Nỗi niềm giáo viên ngoài công lập

Vi Cầm 11/06/2019 07:00

Hiện nay, nhiều giáo viên dạy ở các trường phổ thông ngoài công lập luôn trong  tình trạng “chân trong chân ngoài”. Họ vẫn chờ đợi và mong mỏi thời điểm thuận lợi sẽ xin chuyển vào hệ thống trường công lập. Theo chia sẻ của giáo viên, dạy học ở các trường tư rất thiệt thòi về mặt chế độ, chính sách nên họ cũng thường trực tâm trạng bất an…

Tôi có người quen từng làm Hiệu phó của một trường phổ thông dân lập liên cấp tại KĐT mới Định Công - Hà Nội. Vài năm không gặp lại, mới hay cô đã xin về làm giáo viên của một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai. Theo lý giải của cô, chỉ những người mới ra trường chưa có điều kiện xin việc ở chốn chắc chân, không có hộ khẩu tại thành phố mới xin việc vào trường dân lập để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy…Hoặc những người có chuyên môn không phải sư phạm, đi học thêm bằng trung cấp mầm non mới là nguồn tuyển của các trường ngoài công lập. Tuyển dụng chắp vá, chế độ lương, thưởng không rõ ràng (do phụ thuộc vào tình hình thu, chi của đơn vị), hợp đồng lao động thiếu ràng buộc khiến các cô giáo hoặc phải nai lưng đi dạy thêm ở bên ngoài, hoặc thường xuyên nhảy việc…Như thế nhìn ở góc độ giáo viên, mục tiêu xã hội hóa giáo dục vẫn còn nhiều bất cập.

Trước đó, trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), một nội dung đáng chú ý được Bộ GDĐT lấy ý kiến nhân dân trong dự án là Chính phủ đề nghị quy định cơ chế tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập (so với Luật Viên chức). Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết việc áp dụng chế độ tuyển dụng đặc thù đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập để thu hút sinh viên giỏi học ngành sư phạm, đồng thời giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên hiện nay. Nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng, sinh viên sư phạm ra trường cần được bố trí việc làm để yên tâm. Tuy nhiên, cần thắt chặt đầu vào tuyển sinh, thậm chí điểm đầu vào phải rất cao và thêm quy định sinh viên sư phạm ra trường cử tới nơi nào cũng phải đến. Cơ chế tuyển dụng đặc thù với giáo viên công lập vẫn đang là một băn khoăn. Nhưng nếu áp dụng một cơ chế riêng biệt, chắc chắn khoảng cách giữa trường công và trường tư sẽ ngày càng lớn…

Một tin mới với các giáo viên trường tư, đó là tới đây họ sẽ được hưởng chế độ ngang bằng hệ công lập. Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 mà Chính phủ vừa ban hành ngày 4/6 có nội dung: Giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập).

Theo đó, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo. Ngoài các mục đích khác, việc huy động các nguồn lực của xã hội còn nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp.

Mong rằng từ tinh thần Nghị quyết này, môi trường giáo dục công- tư được bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước. Bởi nhiều năm qua, sự phát triển của các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần giảm tải cho trường công, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của mọi học sinh.

Vi Cầm