G20 nhất trí đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn
Các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 đã nhất trí sẽ sớm đưa ra thêm các quy định chung để lấp các lỗ hổng luật pháp mà nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Facebook đã lợi dụng để né thuế doanh nghiệp – theo một tuyên bố chung mà nhóm này công bố hôm Chủ nhật vừa qua.
Các Tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có thể phải chịu mức thuế cao hơn kể từ năm sau. (Nguồn: NBC).
Ngăn chặn tình trạng né thuế
Facebook, Google, Amazon và nhiều công ty công nghệ lớn khác của thế giới đã hứng vô số chỉ trích vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của họ bằng cách đăng ký doanh thu ở các quốc gia áp dụng mức thuế thấp. Các hoạt động này bị nhiều người coi là không công bằng.
Việc áp dụng thêm các quy định mới cũng có nghĩa rằng, các công ty công nghệ đa quốc gia lớn sẽ chịu mức thuế cao hơn, đồng thời khiến cho các nước “thiên đường thuế” như Ireland khó thu hút được các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hơn, dù rằng các nước này có hứa hẹn đánh thuế cực thấp.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có 2 cột trụ và tôi cảm thấy chúng ta cần cả 2 cột trụ này cùng lúc để thực hiện kế hoạch trên” – Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso, người chủ trì các cuộc họp G20, cho hay – “Các đề xuất hiện vẫn khá trống, nhưng chúng sẽ được hình thành dần”.
Anh và Pháp nằm trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất trong việc đưa ra biện pháp pháp lý nhằm vào các công ty công nghệ muốn tận dụng nước đánh thuế thấp để được hưởng lợi. Điều này đặt hai quốc gia trên vào vị trí bất đồng với Mỹ - nước thể hiện quan ngại rằng các công ty internet của họ đang bị đối xử không công bằng khi quy tắc thuế doanh nghiệp toàn cầu được nâng cấp.
Các công ty internet lớn thì khẳng định rằng họ luôn tuân thủ các quy định, nhưng thực tế thì họ phải trả mức thuế rất thấp ở châu Âu, thường là bằng cách sử dụng các thiên đường thuế ở Ireland hay Luxembourg.
“Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ mới trong việc giải quyết các thách thức về thuế trỗi dậy từ các công ty công nghệ và ủng hộ chương trình đầy tham vọng bao gồm hướng tiếp cận 2 cột trụ” – Tuyên bố chung của G20 nêu rõ – “Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi các nỗ lực để đạt một giải pháp dựa trên sự đồng thuận, và đưa ra báo cáo cụ thể vào năm 2020”.
Quyết tâm của G20
“2 cột trụ” mà nhóm G20 nhắc tới trong Tuyên bố chung của mình có thể là nỗi lo đối với nhiều công ty công nghệ lớn. Cột trụ đầu tiên là một kế hoạch nhằm chia quyền được đánh thuế một công ty tại nơi mà hàng hóa hay dịch vụ của nó được bán, thậm chí ngay cả khi công ty đó không hiện diện ở quốc gia đó.
Trong trường hợp các công ty trên vẫn có thể tìm cách đăng ký lợi nhuận ở các “thiên đường thuế”, các quốc gia có thể áp dụng mức thuế toàn cầu tối thiểu theo cột trụ thứ hai.
“Tôi có thể nhận thấy rõ sự đồng thuận cao của các nước thuộc G20 trong vấn đề này, nếu đem so với thời điểm cách đây 1 năm” – Pierre Moscovici, Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề kinh tế, nhận xét – “Chúng tôi thực sự tin rằng các tập đoàn công nghệ cần phải trả thuế công bằng ở nơi mà họ thu được lợi nhuận”.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng cho rằng “hệ thống đánh thuế các hãng công nghệ trực tuyến hiện nay bị người dân xem là sự bất công tệ hại”. Các Bộ trưởng đều đồng tình với một chính sách thuế mới “hiệu quả và công bằng hơn”, dựa trên doanh thu của công ty công bố tại một quốc gia, chứ không phải nơi họ đặt trụ sở.
G20 đã trao cho Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhiệm vụ nâng cấp hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ số lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số nơi như Ireland, trong khi không phải trả đồng thuế nào tại những nước mà họ thu nhiều lợi nhuận.
Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên Hội nghị G20 một “lộ trình”, được 129 nước ký kết trong tuần qua, trong nỗ lực ký được thỏa thuận chính thức vào năm 2020.