Cuộc chiến chống rác thải nhựa
Cuối tuần qua, tại không gian Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Đây là thông điệp rõ ràng của Việt Nam trong việc nỗ lực cùng thế giới nói không với rác thải nhựa.
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái.
Rác thải, nhất là rác thải từ nhựa không chỉ là vấn nạn với riêng Việt Nam mà nó còn là mối lo ngại của toàn cầu. Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, với khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ.
Mỗi năm có khoảng 8-13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, nhiều nhất là từ châu Á và châu Phi cận Sahara, và phần lớn nguồn gốc rác thải là từ thành thị. Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ thải ra khoảng 111 triệu tấn chai nhựa, hộp đựng thức ăn và các loại rác thải nhựa khác.
Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Tác hại nguy hiểm nhất của túi nylon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái.
Trước tình trạng đáng báo động này, nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy các cam kết nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đi tiên phong trong cuộc chiến chống rác thải nhựa là Italia. Năm 2011, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa đựng hàng trong các siêu thị, trung tâm mua sắm trên phạm vi toàn quốc. Năm 2016, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật cấm người dân sử dụng đồ bằng nhựa để đựng đồ ăn, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Năm 2017, Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm ống hút nhựa. Tiếp đó, các thành phố khác như San Francisco, Santa Barbara, Malibu cũng đã áp dụng lệnh cấm này. Tại châu Á, Ấn Độ cũng đã tuyên bố tiến tới cấm tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Lệnh cấm túi nhựa cũng đã được công bố tại Chile, Botswana và Peru và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết. Và để khẳng định chắc chắn nỗ lực chung tay loại bỏ rác thải từ nhựa Thủ tướng đã nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Hưởng ứng chiến dịch nói không với rác thải nhựa, trước đó rất nhiều phong trào nói không với rác thải, bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả đã được nhiều tỉnh thành trong cả nước thực hiện như phong trào “Chủ nhật xanh” tại Huế, “Không rác thải nhựa” tại Cù Lao Chàm (Hội An)… Và không chỉ chờ sự phát động từ phía chính quyền mà những năm qua, từ Cần Thơ, TP HCM đến Bình Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh…, các bạn trẻ đã lập đội đồng loạt ra quân dọn rác ngày cuối tuần để trào lưu “Xắn tay dọn rác” thực sự lan tỏa trong cộng đồng. Đây là những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn lao để đưa đến một thông điệp rõ ràng: Thế hệ trẻ nói không với rác thải, chung tay bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu loại bỏ rác thải nhựa vào năm 2025, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành thường xuyên phát động phong trào chống rác thải nhựa thiết thực, hiệu quả, xây dựng các tiêu chí bình chọn, công bố vinh danh,nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến hiệu quả đồng thời đề nghị Bí thư các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, các tổ chức đoàn thể …quan tâm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ liên quan tập trung rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách phù hợp để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích, hỗ trợ phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn; thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải, rác thải nhựa. Khẩn trương đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ vào các khu công nghiệp tập trung. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy…
Để phong trào đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa để phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần như kế hoạch đã đề ra.