Xây dựng lực lượng dự bị động viên phù hợp với tình hình mới
Ngày 11/6, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thư viện và Luật Lực lượng dự bị động viên.
ĐBQH Dương Tuấn Quân - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều ý kiến băn khoăn
Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 chương, 47 điều. Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, cần nghiên cứu lại tên của Dự thảo luật để đảm bảo bao quát hết nội dung của luật, bao gồm cả con người và phương tiện kỹ thuật vì hiện nay một số nước như Nga, Belarus chỉ quy định lực lượng dự bị động viên là con người tức là quân nhân dự bị mà không có phương tiện kỹ thuật. Do đó việc quy định phương tiện kỹ thuật là LLDBĐV như trong Dự thảo luật cần được cân nhắc cho phù hợp với Hiến pháp 2013 và các chủ trương, quy định của Đảng. ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) cũng cho rằng, LLDBĐV là một phần của Quân đội nhân dân gồm con người và phương tiện là không hợp lý. Do đó Luật LLDBĐV chỉ nên đề cập yếu tố con người.
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng, Pháp lệnh LLDBĐV đã thực hiện 20 năm và đi vào cuộc sống, ổn định quy định xây dựng LLDBĐV gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung của lực lượng dự bị Quân đội. Do đó quy định như vậy là phù hợp.
Cho rằng, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã thực hiện được hơn 20 năm, xã hội cũng như nền kinh tế đất nước ta đã có sự dịch chuyển sâu sắc từ kinh tế tập trung sang nền kinh tế nhiều thành phần và có tác động đến toàn bộ quan hệ xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ đặc điểm này, đánh giá tác động để đưa ra các nội dung cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự vận động, phát triển của đất nước ta hiện nay.
Giải trình trước Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và LLDBĐV. Điều 2 Pháp lệnh về LLDBĐV quy định, LLDBĐV bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội. Theo ông Ngô Xuân Lịch, qua thực tiễn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi. Do đó Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội giữ nguyên như quy định của Dự thảo luật.
Cần xếp hạng thư viện
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thư viện. Dự thảo Luật Thư viện trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 có 7 chương, 51 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 18 điều, quy định mới 33 điều so với Pháp lệnh.
ĐB Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, nên có đánh giá xếp hạng thư viện vì hiện chỉ thư viện công lập mới được công nhận còn ngoài công lập thì không. Do đó có tình trạng thư viện đã lên hạng là không xuống hạng. Vì thư viện là cơ sở thu hút nguồn lực xã hội và người đọc cho nên cần xếp hạng thư viện với các thư viện ngoài công lập, thư viện ngoài công lập có thứ hạng cao thì Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về sách báo, chính sách dịch vụ công.
Cùng chung quan điểm, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, cần phân loại thư viện theo phương thức hoạt động vì người dân đến với thư viện, thu hút người đọc chính là vốn tài liệu. Do đó xếp hạng thư viện để đầu tư có trọng điểm là yêu cầu cần thiết
ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay nhiều thư viện thiếu vốn tài liệu, phòng đọc vắng người đọc là do người đọc có thể tìm kiếm tài liệu thông qua Google, học sinh ngại đọc sách báo và thư viện nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu người đọc. Do đó cần chính sách đầu tư thư viện tốt hơn nữa, nhất ở vùng miền núi.