Sớm gỡ nút thắt trong tự chủ đại học - Bài 1: Hiểu đúng về quyền tự chủ

Nhóm Phóng viên 12/06/2019 08:00

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi 2018 có nhiều điểm mới về chính sách phát triển giáo dục ĐH, đặc biệt là việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai thí điểm tự chủ ĐH đến nay, nhiều “nút thắt” đã dần bộc lộ.

Mới đây nhất, những ồn ào xung quanh câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng một lần nữa khiến dư luận băn khoăn: Mối quan hệ giữa trường ĐH và cơ quan chủ quản cần hiểu thế nào cho đúng? Quyền của mỗi bên trong quá trình tự chủ ra sao?

Sớm gỡ nút thắt trong tự chủ đại học - Bài 1: Hiểu đúng về quyền tự chủ

Vấn đề tự chủ đại học đang đối diện với nhiều “nút thắt”.

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, phải đến khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 được thông qua, thì quyền tự chủ của các trường ĐH mới chính thức được “luật hóa”. Nhiều trường đang kỳ vọng, họ sẽ có cơ sở pháp lý để tự chủ chứ không còn phải thí điểm theo Nghị quyết 77 nữa.

Luật hóa quyền tự chủ

Trước đó, ngay sau khi Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ÐH 2018, PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ÐH Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ rằng trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, quyền tự chủ của các trường ĐH cũng được làm rõ hơn rất nhiều so với Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Thậm chí, một số quyền tự chủ của các trường ĐH còn được mở rộng, đơn cử như cơ cấu tổ chức của trường. Đây là điểm giúp cho việc tổ chức của trường được linh hoạt theo đặc thù của từng trường. Thứ hai, luật đã quy định chặt chẽ hơn về kiểm định, mở ngành, hợp tác đào tạo. Cùng với đó, hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng đã được làm rõ hơn trong luật. Hội đồng trường có quyền quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Luật đã tăng mạnh quyền của hội đồng trường.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sẽ tạo/mở ra nhiều xu thế mới, bởi giáo dục ĐH Việt Nam suốt một thời gian dài tổ chức các trường ĐH theo hướng đơn ngành như ĐH Ngân hàng, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương... không còn phù hợp thời đại hiện nay. Mọi hoạt động của kinh tế, xã hội, công nghệ bên ngoài đều theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nên cơ cấu tổ chức ĐH đơn ngành là không còn phù hợp. Vì vậy, việc Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cho phép sáp nhập nhiều trường với nhau là một cơ hội để tái cơ cấu lại ĐH Việt Nam theo hướng đa ngành đa lĩnh vực.

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản… Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường ĐH phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng ĐH; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỉ lệ sinh viên có việc làm; Công khai mức học phí; Không được phép tuyển sinh nếu chưa được kiểm định chất lượng…

Sớm gỡ nút thắt trong tự chủ đại học - Bài 1: Hiểu đúng về quyền tự chủ - 1

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 sẽ mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Quyền tự chủ đến đâu?

Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, quá trình thực hiện thí điểm quyền tự chủ ĐH (theo tinh thần Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014) đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, trong đó có sự chưa thống nhất trong quan niệm. Về phía cơ quan nhà nước, tự chủ ĐH hiện được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức - nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ cũng như các điều kiện khác. Trong khi đó, các trường cho rằng, tự chủ là bản chất, là thuộc tính và là quyền tất yếu được hưởng mà không nhận thấy rằng, việc thực hiện tự chủ phụ thuộc vào năng lực thực hiện của đơn vị đáp ứng các tiêu chí định trước về chi phí và kết quả hoạt động.

Đơn cử mới nhất, những ồn ào xung quanh câu chuyện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng một lần nữa lại cho thấy những mâu thuẫn giữa trường ĐH và cơ quan chủ quản. Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018 không còn khái niệm cơ quan chủ quản, trong khi khái niệm chủ sở hữu và cơ quan quản lý theo luật, vẫn chưa có hướng dẫn. Sau cuộc họp mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) chiều 10/6 để thông tin tới báo chí, những khúc mắc giữa cơ quan chủ quản và Trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn chưa được tháo gỡ. Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng không thể định nghĩa cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý có thẩm quyền. Theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018, tên gọi cơ quan chủ quản không còn nữa. Hiện tại vẫn chưa có nghị định hướng dẫn nên chiếu theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) 2018, có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và cơ quan quản lý. Theo cách hiểu của nhà trường, cơ quan chủ quản chính là chủ sở hữu, chỉ còn quyền sở hữu, quyền quản lý thuộc về hội đồng trường và chính quyền địa phương…

Ở một khía cạnh khác, trong câu chuyện cụ thể này, một nguyên nhân được chỉ ra là TLĐLĐVN áp luật cũ đang có hiệu lực, trong khi trường theo luật mới sắp có hiệu lực.

Trong năm 2018, từ trường hợp của GS Trương Nguyện Thành (không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen), đại diện một số trường cho rằng câu chuyện tự chủ ĐH ở Việt Nam vẫn là tương lai xa vời, bức tranh tự chủ ĐH ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều mảng trống. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, cơ quan quản lý nên giao quyền tự chủ cho các trường, chấm dứt cơ chế xin - cho. Theo ông, thành công nhất của tự chủ ĐH hiện nay là tự chủ về mặt học thuật còn những vấn đề khác thì đang rất chồng chéo.

Khi ấy, TS Lê Văn Út- Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định tình trạng trên không chỉ xảy ra với riêng ĐH Hoa Sen. Với ĐH công lập, hội đồng trường sẽ chọn hiệu trưởng và trường tư thì đó là việc của hội đồng quản trị. Cần để cho các ĐH tự chủ trong việc này vì họ phải có quyền quyết định vận mệnh của mình. Hiệu quả của việc lựa chọn của các trường sẽ nói lên tất cả. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đồng tình cho rằng, nếu hiệu trưởng không quyết được thì còn gọi gì là tự chủ, hay nói cách khác, khái niệm tự chủ ĐH chỉ là lý thuyết suông.

Cũng cần lưu ý, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 đã bỏ quy định hiệu trưởng trường ĐH có nhiệm kỳ 5 năm. Nếu như trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường ĐH được quy định là 5 năm, thì Luật mới quy định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng. Bên cạnh đó, thay vì quy định hiệu trưởng phải đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của trường ít nhất 5 năm, thì nay, Luật mới cũng đã bỏ quy định này. Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH. Ngoài ra, luật mới vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc hiệu trưởng trường ĐH phải có trình độ tiến sĩ trở lên.

Theo GS.TS Trần Đức Viên- Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, những lùm xùm ở ĐH Tôn Đức Thắng, nếu xử lý không khéo sẽ đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ. Sự việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay là một trong những điển hình nhất về việc thực hiện tự chủ ĐH, đồng thời cũng là một dịp tốt để Ban soạn thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH).

* Vẫn chờ ý kiến từ Bộ GDĐT: Về trường hợp Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TLĐLĐVN đã có văn bản gửi Bộ GDĐT xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, trong vai trò là cơ quan chủ quản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cụ thể, văn bản mà TLĐLĐVN gửi Bộ GDĐT ngày 5/6 nêu rõ việc xin ý kiến là để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các trường trực thuộc TLĐ. Đặc biệt, Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị Bộ GDĐT xem xét tính hợp pháp của việc ban hành quy định các chức vụ chuyên môn giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tổng LĐLĐVN cũng hỏi về việc TS Lê Vinh Danh- Hiệu trưởng nhà trường - được cấp bằng giáo sư tại Preston University có hợp pháp và được công nhận hay không. Hiện vẫn chưa có câu trả lời từ phía Bộ GDĐT về những vấn đề mà TLĐLĐVN đã đặt ra.

(Còn nữa)

Nhóm Phóng viên