Chủ động phòng dịch, tránh quá tải bệnh viện

Đức Trân 12/06/2019 00:30

Sáng 11/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêmchủng và an toàn tiêm chủng năm 2019. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Điểm cầu địa phương kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã các đơn vị liên quan.

Chủ động phòng dịch, tránh quá tải bệnh viện

Chủ động tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh: TL.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A (H7N9). Các bệnh dịch lưu hành trong nước được khống chế và kiểm soát như bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, phải chủ động phòng chống dịch chứ không đợi dịch xảy ra mới đi dập. Muốn công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì truyền thông phải đi trước một bước. Thứ hai là công tác điều trị phải được quan tâm. Nếu các nhà lâm sàng không sàng lọc và phân loại bệnh thì đau đầu, sốt cũng lên tuyến trung ương. Nhiều bệnh nhân đang nghi bị sốt xuất huyết độ 1, độ 2 cũng vào BV Nhiệt đới Trung ương, BV Nhiệt đới TP HCM, BV Nhi Trung ương, khiến các BV quá tải trầm trọng. Bởi, tổng số bác sĩ của một bệnh viện chỉ có giới hạn nhưng nếu tiếp nhận cả bệnh nhân nặng và nhẹ thì dẫn đến một thực trạng thay vì điều trị cho 20 cháu bệnh nặng lại đi điều trị cho cả 500 bệnh nhân cả nặng cả nhẹ, điều này dẫn tỉ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện dài, chẩn đoán nhầm lẫn bỏ sót. Do đó, nếu bệnh nhân bị nhẹ thì phải chuyển xuống bệnh viện tuyến quận, huyện, thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày.

Theo bà Tiến, các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, viêm não nhật bản,… thì người dân cần thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.

Để chủ động phòng dịch, Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng: Các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm…

Đức Trân