Không kỷ luật kiểu thiếu răn đe
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 10/6 tại Quốc hội, có 2 luồng ý kiến về việc nên giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức. Trong khi một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ hình thức kỷ luật giáng chức để tránh nể nang, bao che, thì không ít đại biểu khác lại cho rằng nên giữ lại để cán bộ có điều kiện phấn đấu.
Lý giải lý do vì sao Bộ Nội vụ lại đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Nguyễn Tư Long cho thông tin: Việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ muốn áp dụng hình thức giáng chức thay vì phải áp dụng hình thức cách chức.
Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý rồi. Do vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn nên bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Ngoài ra, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đáp ứng yêu cầu tương thích với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng quy định, gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Điều này giúp bảo đảm sự liên thông trong công tác cán bộ.
Thảo luận tại diễn đàn của Quốc hội trong khi rất nhiều ý kiến đồng tình bỏ hình thức xử lý cách chức để loại bỏ tâm lý bao che, duy tình, cảm tính trong xử lý cán bộ và tránh xung đột về công tác bố trí cán bộ khi chúng ta đang đẩy mạnh bố trí cán bộ theo vị trí việc làm, thì không ít đại biểu yêu cầu giữ lại hình thức kỷ luật giáng chức với lý do: Để họ có cơ hội phấn đấu bởi, “khi vi phạm có thể giáng chức xuống phó phòng, thay vì cách chức, làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đấu của công chức đó suốt một quá trình dài”.
Vậy nên giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức? Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Quốc Cường cho biết, sở dĩ có hình thức kỷ luật giáng chức cán bộ cũng với mục tiêu để cán bộ phấn đấu khi sai phạm chưa đến mức cách chức. Nhưng trên thực tế, trong suốt quá trình công tác của mình ông chưa thấy trường hợp xử lý cán bộ nào bằng hình thức giáng chức, thường thì nhẹ là khiển trách, cảnh cáo nặng là cách chức luôn.
Liên quan đến những ý kiến khác nhau xung quanh quy định về giáng chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ những báo cáo về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan gửi lên thì từ trước đến nay Bộ Nội vụ chưa ghi nhận trường hợp nào bị giáng chức. Do vậy, ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm về tính khả thi của hình thức xử lý kỷ luật này.
Như vậy kể từ khi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực đến nay là hơn 10 năm chúng ta có Điều 79 quy định hình thức kỷ luật giáng chức, nhưng chưa từng được áp dụng trên thực tiễn! Một quy định được ban hành trên 10 năm chưa từng được áp dụng liệu chúng ta có cần quá băn khoăn trong việc giữ lại hay bỏ quy định này hay không?
Đánh rằng khi cán bộ sai phạm chưa đến mức xử lý kỉ luật cách chức thì giáng chức là cách thức xử lý nhẹ nhàng hơn để cán bộ có cơ hội phấn đấu. Tuy nhiên, cũng không phải không có hình thức xử lý tương ứng. Trên thực tế, cán bộ chưa sai phạm tới mức cách chức đã có hình thức khiển trách, cảnh cáo rồi, nên hình thức xử lý cán bộ là giáng chức được áp dụng rất ít. Đấy là chưa kể sắp tới chúng ta sẽ tuyển dụng, sử dụng bố trí cán bộ trả lương theo vị trí việc làm. Nếu “giáng chức” cán bộ trong khi vị trí việc làm đã bố trí cả rồi vô hình trung sẽ tạo ra một người thừa trong bộ máy, điều này là bất hợp lý.
Điều mà nhiều người lo ngại chính là tâm lý nể nang, bao che, xử lý kiểu duy tình sẽ xuất hiện nếu vẫn có thêm điều luật quy định kiểu xử lý cán bộ nhẹ hơn. Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà ( Đồng Tháp) cho rằng: Nếu cán bộ bị kỷ luật đến mức cách chức thì sẽ cách chức, thấp hơn là cảnh cáo, còn giáng chức không đảm bảo tính răn đe, có thể nể nang mà xử lý nhẹ hơn.