Phiến quân IS hồi sinh ở Afghanistan
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã để mất “Nhà nước Caliphate” ở Syria và Iraq, nhưng lại tìm đến các vùng núi non hiểm trở ở Đông Bắc Afghanista để ẩn náu, huấn luyện chiến binh mới và lên kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây – theo giới chức an ninh Mỹ và Afgahnistan.
Phiến quân IS đang củng cố sức mạnh ở những vùng hiểm trở của Afghanistan. Ảnh: Metro.
Ẩn náu ở Afghanistan
Hãng thông tấn AP mới đây dẫn lời một quan chức tình báo giấu tên của Mỹ đóng tại Afghanistan nói rằng, một làn sóng các vụ tấn công nhằm vào thủ đô Kabul của Afghanistan thời gian qua thực chất là “tập luyện” để thực hiện các vụ tấn công lớn hơn ở châu Âu và Mỹ trong tương lai.
“Tổ chức này là mối đe dọa ngắn hạn lớn nhất từ Afghanistan đối với lãnh thổ của chúng ta” – quan chức giấu tên cho hay – “Mục đích mấu chốt của IS chính là tổ chức các vụ tấn công ở nước ngoài, cụ thể là ở Mỹ và châu Âu. Đó là mục đích của chúng, và vấn đề chỉ là thời gian. Rất đáng sợ”.
Bruce Hoffman – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) – xem Afghanistan như một căn cứ mới của IS sau khi chịu thất bại ở Iraq và Syria. “IS hiện đã đổ các nguồn lực lớn vào Afghanistan” – ông Hoffman nói, chỉ ra “kho vũ khí khổng lồ” của tổ chức này ở miền Đông Afghanistan.
Thực tế thì một nhánh của IS đã hiện diện ở Afghanistan vào thời điểm mà các nhóm chiến binh chính của nó tấn công Syria và Iraq vào mùa Hè năm 2014, tạo dựng cái gọi là Caliphate (Đế chế Hồi giáo) trên vùng lãnh thổ chiếm tới 1/3 tổng diện tích của mỗi nước. Nhánh ở Afghanistan tự nhận mình là Tỉnh Khorasan – một cái tên từng áp dụng với nhiều khu vực của Afghanistan, Iran và Trung Á thời Trung cổ.
Nhánh IS này ban đầu chỉ có vài chục chiến binh, chủ yếu là các chiến binh cũ của Taliban ở Pakistan bị đẩy khỏi căn cứ của mình và các chiến binh Taliban ở Afghanistan hứng thú hơn với tư tưởng hệ cực đoan của IS. Trong lúc Taliban đang phải đương đầu với khó khăn trên chiến trường Afghanistan, nhánh IS này thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi – thủ lĩnh IS ở Trung Đông. Từ bên trong lãnh thổ Afghanistan, nhánh này đã thực hiện nhiều vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào người thiểu số Shi’ite – những người mà chúng coi là kẻ bỏ đạo cần phải bị tiêu diệt.
Nhóm này ban đầu hứng chịu một tổn thất lớn sau khi các thủ lĩnh của chúng bị tiêu diệt trong các đòn không kích do Mỹ thực hiện. Nhưng rồi chúng lại được tăng cường đáng kể khi mà Phong trào Hồi giáo Uzbekistan gia nhập lực lượng vào năm 2015. Ngày nay, nhánh IS này có hàng nghìn chiến binh, đa phần đến từ Trung Á và các nước Arab, Chechnya, Ấn Độ và Bangladesh.
Nhánh IS này từ lâu đã đặt căn cứ ở tỉnh miền Đông Nangarhar của Afghanistan, khu vực nằm sát biên giới với Pakistan. Chúng cũng có sự hiện diện đông đảo ở miền Bắc Afghanistan và mới đây còn mở rộng ra tỉnh lân cận Kunar. Khu vực núi non hiểm trở này bao gồm các tỉnh Nangarhar, Nuristan, Kunar và Laghman.
Đe dọa phương Tây
Vị quan chức quân đội Mỹ giấu tên thì nói rằng: “Tin xấu là chúng đã chiếm một khu vực có địa hình rất phức tạp, có thể ẩn náu tốt, nơi mà chúng dễ dàng tiếp cận với nguồn tiền, vũ khí, trang thiết bị…và đó cũng là nơi mà chúng có thể lên kế hoạch, huấn luyện, tổ chức và điều hướng các vụ tấn công. Tôi cho rằng việc mở rộng lãnh thổ ra phía Đông Afghanistan là ưu tiên hàng đầu của chúng hiện nay, mục đích là bao vây Jalalabad”.
Giờ đây, giới chức tình báo và quân sự Mỹ lại xem Taliban như một đồng minh để chống lại một mối đe dọa tương tự từ IS.
Đặc phái viên Mỹ về hòa bình và hòa giải ở Afghanistan Zalmay Khalilzad từng tổ chức một vài vòng đàm phán với Taliban trong những tháng qua nhằm nỗ lực kết thúc cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Hai bên dường như đang gần đạt được một thỏa thuận mà trong đó Mỹ sẽ rút lực lượng, đổi lấy lời cam kết không sử dụng Afghanistan làm bàn đạp tấn công các địa điểm nước ngoài của Taliban.
Thế nhưng, thỏa thuận giữa hai bên cũng có thể gây ra một làn sóng chiến binh Taliban chuyển sang gia nhập hàng ngũ IS. Và thực tế thì làn sóng này đang diễn ra ở nhiều phần thuộc khu vực phía Bắc và phía Đông Afghanistan, những nơi mà Taliban tổ chức tấn công IS để rồi chỉ để mất phần lãnh thổ và chiến binh của mình vào tay nhóm khủng bố này.
Nga đã từng cảnh báo về sự hiện diện của IS suốt nhiều năm liền, và đã từng liên lạc với Taliban từ trước khi Mỹ tổ chức các vòng đàm phán với Taliban. Trong một chuyến thăm Kyrgyzstan hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Lavrov đã mô tả Afghanistan như một “bệ phóng” của IS sau khi nhóm này bị đẩy lùi khỏi Syria và Iraq.