Quyết tâm minh bạch
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2019 về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Động thái của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa cho thấy sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc giải quyết những bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT thời gian qua.
Trước đó, chủ trương thu phí không dừng đã được Chính phủ đưa ra hồi năm 2016. Cụ thể, theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (ETC), nhà đầu tư các dự án BOT giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức ETC. Chủ trương này của Chính phủ với mục tiêu lớn nhất là đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông và đảm bảo minh bạch trong quá trình thu phí sử dụng đường bộ.
Thời gian qua, câu chuyện về các trạm thu phí BOT đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, tốn không ít giấy mực của báo giới cũng chỉ bởi sự thiếu minh bạch của các chủ đầu tư trong việc thu phí BOT. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chủ trương thu phí ECT dường như bị “nghẽn mạng”. Báo cáo của cơ quan chức năng cho hay, hiện mới chỉ có một đơn vị là Công ty cổ phần VETC là đủ điều kiện trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn số trạm thu phí BOT được chuyển đổi thành trạm thu phí không dừng tính đến nay cũng mới chỉ đạt khoảng 30 trên tổng số 44 trạm thu phí toàn quốc với 109 lần (tổng kế hoạch là 44 trạm thu phí đủ điều kiện triển khai thu phí tự động không dừng). Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng “ỳ ạch” này là một số nhà đầu tư tìm nhiều cách làm chậm tiến độ thực hiện nên chưa tích cực phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ là VETC mà suy cho cùng là do các chủ đầu tư bị mất đi nhiều quyền lợi hay nói đúng hơn là… e ngại sự minh bạch (?)
Dư luận chắc hẳn chưa quên những vụ việc lùm xùm xảy ra tại các trạm thu phí BOT chỉ vì chủ đầu tư thu phí của người dân một cách thiếu minh bạch.
Mới đây nhất, tại trạm thu phí Hòa Bình lại tái diễn cảnh tài xế dừng xe chắn đường đòi hỏi những quyền lợi nhất định mà chủ đầu tư buộc phải đảm bảo. Riêng với sự vụ tại trạm thu phí Hòa Bình, chủ đầu tư đúng hay sai vẫn chưa ngã ngũ, song một lần nữa cho thấy những bất cập, rối rắm xung quanh việc thu phí đường bộ một cách thủ công đã và đang diễn ra lâu nay. Và câu chuyện tương tự sẽ chưa thể kết thúc nếu chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức này.
Khi bước sang thời kỳ khoa học công nghệ 4.0, tất cả những dịch vụ theo kiểu “thô sơ” sẽ trở nên lạc hậu, cũ kỹ, nhường chỗ cho công nghệ hiện đại phát triển. Bởi vậy, chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện thu phí đường bộ theo hình thức không dừng là hoàn toàn đúng đắn, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Thu phí không dừng là giải pháp minh bạch, đảm bảo đúng quyền lợi của cả ba nhà: Nhà đầu tư, Nhà nước và người dân, loại bỏ những nghi ngờ về khả năng doanh nghiệp để các khoản thu ngoài sổ sách nhằm kéo dài thời gian thu phí… Khi thực hiện thu phí không dừng, tất cả những lo ngại của dư luận xã hội lâu nay về tính thiếu minh bạch của khoản phí này sẽ được giải tỏa. Bởi khi thu phí không dừng, dòng tiền được kiểm soát chặt chẽ, như vậy, sẽ không còn đất cho những đối tượng có ý tư lợi. Lợi ích được cân bằng cho cả bên cung ứng dịch vụ cũng như bên sử dụng dịch vụ đường bộ.
Có thể thấy, với mục đích đẩy nhanh tiến độ chuyển sang thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, ngoài việc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng trước ngày 20/6/2019, Thủ tướng Chính phủ còn lưu ý, báo cáo phải nêu rõ tiến độ hoàn thành đối với từng trạm, khó khăn vướng mắc và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; biện pháp xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng...
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề này, dư luận xã hội kỳ vọng những bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT lâu nay sẽ được giải tỏa, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân, giúp cho người dân, doanh nghiệp không phải nơm nớp lo lắng bị nhà đầu tư “ăn chặn” mỗi lần phải điều khiển phương tiện qua các trạm thu phí BOT.