Sớm gỡ nút thắt trong tự chủ đại học - Bài 2: Trăn trở từ các trường thí điểm
Hiện Bộ GDĐT đã chỉ đạo thí điểm chọn trong số 23 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập tự chủ theo Nghị quyết 77 để tiếp tục triển khai giai đoạn về tự chủ cao hơn là không còn bộ chủ quản. Dẫu thế, theo chia sẻ của các trường thì hiện nay tự chủ vẫn chỉ là hình thức. Cơ chế quản lý của Bộ chủ quản và các bộ, ban, ngành còn nặng về hành chính.
Trong trường ĐH (đặc biệt các trường công lập) vai trò của Hội đồng trường chưa cao. Việc chưa làm rõ vai trò Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu thì chưa thể tự chủ được; chưa bỏ cơ chế quản lý nặng về hành chính như hiện nay thì chưa tự chủ được.
Cơ chế tự chủ ĐH hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, cần sớm tháo gỡ. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Vẫn chỉ là hình thức
Nhận định việc tự chủ ĐH, giúp các cơ sở giáo dục ĐH phát huy tối đa quyền tự chủ để phát triển, tuy nhiên Bộ GDĐT thừa nhận, việc tự chủ vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể: Một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, hình thức hoạt động của Hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò giám sát của Hội đồng trường khá mờ nhạt, nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội đồng trường phụ thuộc vào kinh phí của nhà trường do Hiệu trưởng quyết định. Các nguồn thu từ học phí, lệ phí vẫn là nguồn thu chính của các trường tự chủ, chiếm trên 70% tổng thu của các trường, điều này là rủi ro khi nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh.
Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ đã quy định về miễn giảm thuế lãi tiền gửi ngân hàng, các hoạt động đào tạo ngắn hạn… nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành về các chính sách này. Bên cạnh đó, mặc dù được quyền quyết định đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp nhưng việc phê duyệt chủ trương và các thủ tục đầu tư vẫn phải trình đơn vị chủ quản theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
Trong các hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề tự chủ giáo dục ĐH, Bộ GDĐT thừa nhận, cơ chế cơ quan chủ quản thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Nghị quyết 77 với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của Hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng chưa thực hiện được.
Chính vì vậy, năm 2018 Bộ GDĐT đã chủ động yêu cầu 3 cơ sở giáo dục ĐH (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GDĐT), trình Bộ GDĐT để báo cáo Chính phủ phê duyệt.
Nhận định từ các chuyên gia giáo dục cho thấy, Nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành sớm nhất từ năm 2005 là bỏ cơ chế chủ quản đối với các trường ĐH để thực hiện tự chủ. Nhưng sức ì của hệ thống quá lớn, đến nay chưa cơ quan chủ quản nào chịu thực hiện. Còn theo lãnh đạo của các trường ĐH đã tự chủ thí điểm, cần một cuộc rà soát tổng thể để thể đánh giá về thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm về vấn đề này.
Trường ĐH chưa sẵn sàng
Như vậy thí điểm tự chủ ĐH đã triển khai từ nhiều năm nay, nhưng trong thực tế thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ chế. Đồng thời, một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia về “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” (tổ chức sáng 12/6 tại Hà Nội), một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thực tế triển khai tự chủ ĐH của các trường Việt Nam hiện nay ra sao.
ThS Nguyễn Thị Liên (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích những nguyên nhân xuất phát từ phía các trường khiến trường ĐH chưa thể tự chủ được. Thứ nhất, quyền tự chủ về tổ chức, quản lý, nhân sự vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải được hoàn thiện tiếp. Việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên của các trường vẫn phải tính theo hệ số lương cơ bản do Nhà nước quy định (trừ ĐH Quốc gia là tự quyết định), gây khó khăn cho các trường trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động và thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi về làm việc cho trường. Thứ hai, chưa thống nhất trong quan niệm khi tự chủ ĐH được tiếp cận từ góc độ tài chính đối với cơ quan nhà nước. Trong khi các trường cho rằng tự chủ là bản chất, thuộc tính và là quyền tất yếu được hưởng. Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của trường nào cũng thiếu và yếu. Thứ tư, là sự thiếu sẵn sàng của các trường thể hiện rõ ở kỳ thi tuyển sinh ĐH hai năm gần đây, chỉ 62 trường trong số gần 500 trường ĐH, CĐ hưởng ứng đề nghị tổ chức tuyển sinh riêng với chủ yếu là tuyển sinh riêng cho một số ngành đặc thù, còn vẫn dựa vào kết quả kỳ thi ba chung của Bộ GDĐT tổ chức…
Ở một góc nhìn khác, ông Dương Trường Phúc - ĐHQG TP HCM cho rằng ngoại trừ một số trường thuộc ĐHQG, tất cả các trường ĐH công lập vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp. Các trường ĐH công lập chịu sự xét duyệt từ số lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo (chương trình khung), ngân sách tài chính cho đến thù lao cho giảng viên, bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Cơ chế quản lý của Nhà nước hiện nay đối với các trường ĐH công lập làm cho các trường có nguy cơ mất vị thế vì nguồn lực hạn chế nên không đảm bảo được chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiếu sự hấp dẫn thu hút nhân tài, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm “chảy máu chất xám” và các nguồn đầu tư từ xã hội, hệ lụy là thiếu sự cạnh tranh mất khả năng phát triển bền vững.
Trong khi đó, đối với các trường ĐH tư thục/dân lập và các trường ĐH quốc tế hay liên kết quốc tế, việc kiểm soát của Nhà nước là khá thông thoáng. Các trường ĐH không phải công lập được hưởng một số cơ chế riêng và tuân theo quy luật thị trường mặc dù hiện nay chúng ta vẫn chưa công nhận một thị trường “đào tạo”. Với những sự khác biệt trong cách quản lý này (quản lý bao cấp, định hướng giám sát, khống chế đối với các trường công lập trong khi các trường ngoài công lập có cơ chế quản lý riêng) tạo ra sự thiếu nhất quán trong toàn hệ thống, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các trường ĐH, làm cho cả trường công lập và ngoài công lập đều không hài lòng. Nhìn dưới góc độ toàn hệ thống, có thể nhận thấy cơ chế quản lý hiện thời đã không còn phù hợp với một hệ thống giáo dục ĐH phát triển nhanh, đa dạng và phức tạp như lúc này.
Chia sẻ quan điểm này, TS Đàm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cho rằng, hiện nay đối với ĐH tư thục, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp có hiệu lực từ 1/7/2019 đã giải quyết được khá tốt các mâu thuẫn phát sinh. Cụ thể, sau khi có mâu thuẫn của ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen... một số nội dung trong Luật đã được sửa đổi để giải quyết nó. Tuy nhiên, phần của Luật đề cập đến các trường công lập theo hướng tự chủ thì còn nhiều vấn đề. Dẫu thế, TS Minh cũng cho rằng Luật cần giải quyết tổng thể. Mỗi một trường hợp có thể nghiên cứu làm điển hình, nhưng không có nghĩa Luật phải đi giải quyết từng trường hợp riêng lẻ.
Cần sớm tách khỏi cơ chế cơ quan chủ quản Theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam), không thể trao quyền tự chủ của trường ĐH cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là Hội đồng trường/Hội đồng quản trị. Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường ĐH công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường. Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường ĐH dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng). Do đó, phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng. |
(Còn nữa)