Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh
Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Qua thảo luận, các ĐB cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.
Cần có chính sách đặc thù
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, tham gia dân quân tự vệ là nghĩa vụ của công dân khi đến tuổi, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh là trách nhiệm của Nhà nước. Vị trí chức năng của dân quân tự vệ là một phần của lực lượng vũ trang bảo vệ chế độ, Đảng, Nhà nước, nhân dân và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên hiện còn có tài sản của doanh nghiệp do đó Luật cần điều chỉnh để quy định bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Ông Tám cũng cho rằng, dân quân tự vệ không những bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm mà cần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Tám, cần phải đảm bảo chế độ chính sách cho người tham gia dân quân tự vệ, nhất là có phụ cấp đặc thù cho lực lượng dân quân tự vệ khi đi làm nhiệm vụ trên biển, các vùng trọng điểm, biên giới.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, quy định phụ cấp cho lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển là cần thiết, phù hợp với tính chất hoạt động quân sự, quốc phòng. Bởi theo ông Thường, trong tình hình hiện nay dân quân tự vệ biển có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh trên biển.
Minh bạch thị trường chứng khoán
Cùng ngày Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất thuộc Bộ Tài chính như quy định hiện nay, luồng ý kiến thứ hai là tách ra khỏi Bộ Tài chính và trực thuộc Chính phủ.
Bày tỏ quan điểm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên giữ nguyên như hiện nay, không cần thiết thuộc Chính phủ, bà Mai đưa ra phân tích: Theo Nghị quyết của Trung ương chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, đặc biệt Nghị quyết Trung ương cũng nêu rõ việc thành lập tổ chức mới không được tăng thêm đầu mối, biên chế. Do đó nếu tách Ủy ban Chứng khoán ra khỏi Bộ Tài chính để thành tổ chức mới sẽ làm tăng thêm biên chế. Muốn nâng cao hiệu quả của bộ máy thì phải từ con người chứ không phải tách ra thành một tổ chức mới.
Cùng chung quan điểm, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần tăng thẩm quyền quản lý nhà nước và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên tách ra để độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. “Độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của tổ chức quốc tế, việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước”-bà Thủy cho hay.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), cần xem xét kỹ tính minh bạch của thị trường chứng khoán và muốn làm được thì cần tăng trách nhiệm, tính chính xác của các báo cáo kiểm toán độc lập, minh bạch hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và có cơ quan kiểm soát quá trình thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
*Xuất cảnh định cư ở nước ngoài phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế Cùng ngày với 91,32% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật quy định người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Cùng ngày với 90,7% ĐBQH tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); thông qua Luật Kiến trúc với 88,64% ĐBQH tán thành.