Hướng tới mục tiêu cộng đồng không rác thải nhựa
Khẩn trương thực hiện các giải pháp giảm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu cộng đồng không rác thải nhựa là nội dung chính được trao đổi tại tọa đàm Môi trường - Rác thải nhựa do Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 13/6.
Hiện nay, lượng chất thải nhựa và túi ni lông chiếm khoảng 5-10% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, chất thải nhựa tại thành phố chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trung bình mỗi gia đình người Việt đang sử dụng 1 kg túi nilon/tháng.
Bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, cho biết: Sản xuất nhựa năm 2016 tạo ra 2 tỷ tấn CO2, tương đương 6% tổng lượng khí CO2 phát thải hàng năm toàn cầu, có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2030 do việc duy trì các cách xử lý rác hiện tại. Rác hữu cơ lẫn nhựa khi phân hủy thiếu không khí (yếm khí) có thể sinh ra khí metan, gây cháy âm ỉ tại các bãi rác sinh ra dioxin, furan, đốt nhựa ngoài trời hoặc trong điều kiện nhiệt độ dưới 1.000 độ C cũng là nguồn sinh ra dioxin, furan, tác động rất lớn đến động thực vật cũng như sức khỏe con người. Mỗi năm chúng ta mất khoảng từ 500 đến 2.500 tỉ đô la Mỹ do tác động của rác thải nhựa lên các đại dương, tương đương với trung bình 312 đô la Mỹ/người/năm.
Để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, thời gian tới Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài về Việt Nam, không để lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài đưa về các làng nghề không đảm bảo điều kiện về công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ sẽ siết chặt việc quản lý các làng nghề tái chế nhựa, hạn chế tối đa sử dụng phế liệu nhựa không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, tái chế tại các làng nghề; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ ngăn chặn việc vận chuyển bất hợp pháp phế liệu nhựa vào Việt Nam.