Xây dựng đời sống văn hóa thời công nghệ số
Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phải bắt nguồn từ việc nâng cao chất lượng hoạt động, các phong trào thi đua ngay từ cơ sở, nhất là ở các thôn, làng, tổ dân phố. Xác định cách làm đó đã góp phần thay đổi diện mạo của nhiều khu vực nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ở Hà Nội.
Người dân Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, để thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020 đến các quận, huyện, thị xã và cơ sở. Việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đang góp phần xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh. Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn từng bước đổi mới cả về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường. Đến nay, 294/386 xã trên địa bàn Thủ đô được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% số xã được công nhận có hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao thôn cơ bản đảm bảo tiêu chí được quy định.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng đời sống văn hóa cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt, kịp thời; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”; chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” ở một số địa phương, đơn vị còn làm qua loa, hình thức.
Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, ông Nguyễn Huy Tám, tổ trưởng KDC 13 phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân cho biết, hiện quận đang triển khai mô hình “5 không” nhưng theo ông Tám, mô hình này phải được xây dựng thành mô hình 7 không. Tức là thêm 2 tiêu chí, đó là không đốt lá bừa bãi, không chặt phá cây xanh. “Vừa rồi, có Ngân hàng tự ý chặt cây xanh để lấy chỗ cho xe đi lại khi đến giao dịch tại đây. Chúng tôi rất bức xúc. Hàng ngày, tổ dân phố đều cử người đi kiểm đếm từng cây, coi chúng như hồn cốt của tổ dân phố và thay phiên nhau chăm sóc”, ông Tám nói.
Trong bối cảnh công nghệ số, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, việc đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của MTTQ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu.
“Thông qua CVĐ, MTTQ các cấp trên địa bàn Thủ đô đã huy động được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ kinh phí để xây dựng các công trình an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng đã làm cho diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giảm nghèo đạt được những kết quả quan trọng”, bà Dung nói.
Thành quả của việc triển khai đồng bộ phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã tạo được sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết các gia đình, dòng họ, tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua lao động, sản xuất.