Mong được làm đúng
Sau vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hoá bị khởi tố hồi cuối tháng 4, vụ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tạm giữ hôm 12/6 vừa qua vì nghi vòi vĩnh, nhận hối lộ lại tiếp tục làm nóng dư luận. Người dân hy vọng, với quyết tâm, mạnh tay chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, thì công tác phòng, chống tham nhũng và kỷ cương trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng sẽ thực sự có những bước tiến mới.
Ảnh minh họa.
Bởi có thể nói, tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng lớn diễn biến phức tạp. Kẻ tham nhũng đã không còn biết sợ, vì tiền mà bất chấp pháp luật. Hai vụ việc vừa xảy ra, cùng trong một ngành, cùng tính chất, lần sau nối tiếp lần trước, nhưng ở cấp độ cao hơn, đã báo động về sự tha hoá, vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.
Vụ Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá khi thanh tra ở huyện Thiệu Hoá bị tố giác về hành vi đe doạ, tống tiền, bị bắt quả tang khi nhận phong bì trong có số tiền lớn phải chăng chỉ là việc “đi đêm lắm có ngày gặp…ma” của họ? Việc cơ quan điều tra thu thập nhiều tài liệu, giấy tờ ghi chi tiết số tiền các đơn vị chung chi cho Đoàn thanh tra cũng như khi khám nhà riêng, phòng làm việc của các thành viên đều thu được nhiều phong bì liên quan đã chứng minh. Cũng không coi đó là cái gương tày liếp trước mắt, Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra ở tỉnh Vĩnh Phúc đã lặp lại cái “quy trình” nói trên. Và, thông tin ban đầu cho thấy, tính chất vụ việc còn tinh vi hơn khi mặc cả nhiều lần, với số tiền lớn hàng chục tỷ đồng… Buồn thay, trưởng đoàn này lại còn là một phó trưởng phòng chống tham nhũng của Bộ!
Hành vi “bôi trơn”, “chung chi” đã trở nên quen với không ít người, đã như cái lệ bất thành văn. Hai bên đã bắt tay nhau, đồng loã cùng cái sai, vi phạm. Người ta có ngạc nhiên chăng là mức độ đòi hỏi, đe doạ, mặc cả đã trở nên trắng trợn, quá đáng của các đối tượng khoác áo công bộc, cán bộ. Và nhiều khi chính những người vi phạm cũng buộc phải tố cáo khi “con giun xéo mãi phải quằn”…
Với hai vụ việc nêu trên, cũng mới chỉ là công việc thanh tra thường kỳ ở huyện, ở tỉnh. Còn như những trường hợp thanh tra trực tiếp về những dự án lớn, dự án nhỏ, về các vụ việc, vấn đề cụ thể, không biết những sự mặc cả, cái giá dung dưỡng cho sai phạm đến đâu?
Thanh tra là công tác kiểm tra, phát hiện cái sai, không chỉ để giúp cơ quan quản lý xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ cương mà điều quan trọng nhất là để nắn chỉnh cho xã hội phát triển ổn định, đúng hướng, lành mạnh. Nếu công tác thanh tra, kiểm tra tốt, làm nghiêm, không để làm sai, không dung dưỡng cho cái sai thì cái sai, vi phạm sẽ không nảy nở được, xã hội mới thực sự phát triển tốt đẹp.
Mọi người dân, mọi doanh nghiệp đều mong muốn có sự công bằng, mong muốn được làm đúng, có lý, có tình. Nếu như mọi cái sai dù nhỏ đều được phát hiện, xử lý nghiêm thì sẽ không có chuyện cái sai nối gót cái sai, cái tham sẽ nảy sinh cái tham. Một người làm sai được dung dưỡng sẽ làm cho người bên cạnh bức xúc, hoặc phải tố cáo, hoặc đồng lõa.
Vấn đề trên càng được thể hiện rõ trong lĩnh vực xây dựng.Thời gian qua, không ít khu phố, nhà nhà đã cùng lấn ra đường, ra ngõ, làm cho đường, ngõ trở nên chật chội. Tất cả những hành vi, việc làm trên đều lọt vào trong con mắt, sự kiểm tra của cán bộ thanh tra, kiểm soát xây dựng. Chỉ cần nhà nọ đổ đống cát, chở bao xi măng cán bộ đã xuất hiện. Nhưng rồi sau khi trao đổi, với phong bì lót tay, cán bộ đi, việc xây dựng, vi phạm lại tiếp tục. Mỗi căn nhà xây trái phép, không phép, kể cả xây dựng trên đất nông nghiệp người ta rỉ tai nhau đều có những cái giá riêng. Nhiều trường hợp người dân phản ánh, cán bộ còn bật đèn xanh, lập biên bản đình chỉ là một chuyện, chuyện xây cứ việc xây...
Với công trình nhỏ lẻ, nhà dân thì vậy. Còn các dự án lớn, công trình lớn, thì sự vi phạm, đồng loã, tha hoá càng lên cấp độ cao hơn, hệ luỵ lớn hơn. Bởi vậy mới có chuyện liên tục dự án phá vỡ quy hoạch, nhà nhà nâng chiều cao. Một công trình ngay giữa trung tâm Thủ đô như 8B Lê Trực-Hà Nội còn vượt quy định trong giấy phép đến 5 tầng, hay nhà ở Khu đô thị Linh Đàm vượt quy định trong giấy phép đến 14 tầng, nói chi đến vùng ngoại ô, tỉnh lẻ.
Vấn đề đầu tiên cần làm là cần thay đổi ngay ý thức trách nhiệm, là việc xử lý nghiêm minh. Vụ việc đã chứng minh lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Sẽ không có vi phạm trong xây dựng từ nhà dân cho đến dự án lớn nhỏ của các doanh nghiệp nếu như cán bộ, thanh tra làm hết trách nhiệm, phát hiện, xử lý nghiêm. Mọi người dân, doanh nghiệp ai ai cũng phải xác định, mong muốn được làm đúng, phải làm đúng pháp luật.