Ủy ban Luật pháp quốc tế đánh giá cao nhiều thực tiễn của Việt Nam
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam của ILC, nhiều thực tiễn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được các thành viên của ILC đánh giá cao tại kỳ họp thứ nhất, Khóa họp 71 của ILC.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao. (Ảnh: TTXVN/phát).
Đại sứ, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Việt Nam của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên hợp quốc (ILC) nhấn mạnh nhiều thực tiễn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã được các thành viên của ILC đánh giá cao tại kỳ họp thứ nhất, Khóa họp 71 của ILC diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tham gia tích cực vào các hoạt động của ILC tại các phiên họp toàn thể, tại Tiểu ban soạn thảo và các Tiểu ban chuyên môn khác của ILC; đề xuất xây dựng các quy định của luật pháp quốc tế trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền con người và phát triển bền vững.
Những kiến nghị của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao về nội dung và kỹ thuật pháp lý nhằm hoàn thiện các dự thảo kết luận và nguyên tắc của ILC trước khi gửi lấy ý kiến các quốc gia tại Liên hợp quốc đã được ghi nhận.
Cụ thể, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã phát biểu ủng hộ việc dự thảo Công ước về Tội ác chống nhân loại ghi nhận việc ngăn ngừa và trừng phạt tội ác chống nhân loại là một quy phạm mệnh lệnh của luật quốc tế.
Ông nhấn mạnh điều này được minh chứng bởi phán quyết số 002/02 tháng 11/2018 của Tòa án đặc biệt xét xử tội ác của Khmer Đỏ (ECCC).
Ý kiến phát biểu của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao về việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam và nỗ lực hợp tác của Chính phủ Mỹ cùng với Chính phủ Việt Nam tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa đã được các thành viên ILC ghi nhận và sẽ đưa vào phần bình luận Dự thảo Nguyên tắc Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang.
Ngoài ra, thành viên Việt Nam của ILC tích cực tham gia các hoạt động bên lề kỳ họp ILC như trao đổi học thuật về quyền tài phán phổ quát, các vấn đề khoa học của chủ đề mực nước biển dâng; các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ra đời Công ước Vienna về Luật điều ước quốc tế năm 1969.
Kỳ họp thứ nhất, Khóa họp 71 của ILC, kéo dài hơn 6 tuần (kể từ ngày 29/4), đã xem xét một số vấn đề đương đại của luật pháp quốc tế, được nhiều quốc gia quan tâm, bao gồm: (i) Tội ác chống nhân loại; (ii) Quy phạm mệnh lệnh trong luật quốc tế; (iii) Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang.
Các thành viên ILC cũng thảo luận chương trình làm việc dài hạn, phương pháp hoạt động, phương thức làm việc của ILC và chuẩn bị các chủ đề thảo luận cho các năm tiếp theo.
Kết quả nổi bật của kỳ họp này là ILC đã kết thúc lần đọc đầu tiên của báo cáo về ba chủ đề nêu trên, thông qua dự thảo công ước về ngăn ngừa và trừng phạt Tội ác chống nhân loại, dự thảo kết luận về các quy phạm mệnh lệnh trong luật quốc tế và dự thảo nguyên tắc về bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang để lấy ý kiến các quốc gia tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việc chuyên gia Việt Nam tham gia ILC về luật pháp quốc tế phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ Việt Nam đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, tích cực đóng góp vào tiến trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao là đại diện đầu tiên của Việt Nam trúng cử thành viên ILC nhiệm kỳ 2017-2021 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tháng 11/2016.
Ủy ban Luật pháp quốc tế gồm có 34 thành viên do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra, có vai trò quan trọng trong tiến trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, đã soạn thảo nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng như Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, dự thảo Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001.