Ấn Độ bất ngờ đánh thuế hàng hóa Mỹ
Ấn Độ đã bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan đối với 28 loại mặt hàng nhập khẩu từ nước Mỹ, bao gồm hạnh nhân, táo và các loại hạt tính từ hôm 16/6. Đây là động thái mà New Delhi đưa ra nhằm đáp trả việc chính quyền Washington rút một số đặc quyền thương mại quan trọng với nước này.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Ấn Độ ngấm ngầm tăng nhiệt kể từ năm ngoái (Nguồn: RT).
Đòn đáp trả của New Delhi
Các đòn áp thuế mới đã có hiệu lực từ hôm Chủ nhật vừa qua, một thông báo của Chính phủ Ấn Độ nêu rõ, trong bầu không khí căng thẳng thương mại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức năm 2017 với tuyên bố sẽ đưa ra hành động nhằm vào các nước có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ.
Từ ngày 5/6, Tổng thống Trump đã hủy một số đặc quyền thương mại theo Hệ thống ưu đãi phổ quát (GSP) đối với Ấn Độ. Được biết đây là một chương trình khuyến khích cho phép Ấn Độ xuất khẩu lượng hàng hóa lên tới 5,6 tỷ USD sang thị trường Mỹ mà không bị đánh thuế.
Trước sự việc trên, phía Ấn Độ nói rằng đây là một điều “đáng tiếc” và tuyên bố sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ. Trước đó, theo Reuters, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đánh thuế hàng hóa Mỹ ngay trước khi Thủ tướng Narendra Modi có cuộc họp đầu tiên với Tổng thống Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức vào các ngày 28-29/6 tại Nhật Bản.
Tháng 6 năm ngoái, Ấn Độ đã đưa ra một chỉ thị để tăng thuế nhập khẩu lên tới 120% đối với nhiều hàng hóa của Mỹ, sau khi Washington từ chối loại Ấn Độ khỏi danh sách các nước bị áp thuế nhôm và thép. Kể từ đó, New Delhi đã nhiều lần cố gắng trì hoãn nâng thuế với hàng hóa Mỹ để dọn đường cho các vòng đàm phán thương mại song phương. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt giá trị khoảng 142,1 tỷ USD trong năm 2018.
Đến hôm thứ Bảy tuần trước, Ấn Độ tuyên bố rằng họ đã sửa đổi chỉ thị trước đây “để thực thi đòn áp thuế đáp trả Mỹ, nhằm vào 28 loại hàng hóa có xuất xứ hoặc được nhập khẩu từ Mỹ”, trong khi vẫn giữ nguyên mức thuế hiện tại đối với tất cả các nước khác – thông báo của Chính phủ Ấn Độ cho hay.
Mức thuế cao hơn mà Ấn Độ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ an ninh và chính trị đang đà tăng của hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người dự kiến sẽ có chuyến thăm Ấn Độ trong tháng này – nói rằng Mỹ luôn cởi mở đối với các vòng đối thoại để giải quyết bất đồng thương mại với Ấn Độ, sẵn sàng mở cửa thị trường với các công ty của Ấn Độ.
Được biết, hiện nay Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất hạnh nhân của Mỹ, chi khoảng 543 triệu USD trong năm 2018 để mua tới hơn một nửa mặt hàng hạnh nhân xuất khẩu của Mỹ - theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ấn Độ cũng là nước nhập táo lớn thứ hai của Mỹ, với tổng giá trị khoảng 156 triệu USD trong năm 2018.
Các quy định mới của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử và địa phương hóa dữ liệu đã gây ảnh hưởng tới các Tập đoàn lớn của Mỹ gồm Amazon, Walmart, Mastercard, Visa, cùng nhiều công ty khác…và bởi vậy mà khiến chính quyền Mỹ tức giận.
Mặt trận thương mại mới
Quyết định ngừng chương trình GSP mà ông Trump đưa ra hồi tháng 5 năm nay khiến giới quan sát không khỏi quan ngại, bởi có thể mở ra thêm một mặt trận thương mại mới, trong lúc mà Mỹ vẫn đang bất đồng thương mại sâu sắc với Trung Quốc.
Quyết định mới của Mỹ sẽ đánh vào một số nhà xuất khẩu của Ấn Độ như dệt may, trang sức, phụ tùng ôtô và nông sản, và làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và một quốc gia mà chính quyền Trump đã mô tả là đồng minh để đối đầu với Trung Quốc. Ấn Độ đang trong quá trình chuyển đổi khi Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump và ông Modi đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ của họ. Năm 2018, chính quyền Trump đã đưa ra chính sách đối ngoại “tự do và cởi mở” khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho nhóm “bộ Tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Nhưng quan hệ đã dần xấu đi kể từ đó. Ông Trump tập trung hơn nhiều vào đấu tranh thương mại trên các mặt trận khác, bao gồm các cuộc đàm phán với Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản, và nỗ lực phê chuẩn một thỏa thuận thương mại mới với Canada và Mexico.
Căng thẳng thương mại với Ấn Độ cũng âm thầm sôi sục sau khi nước này từ chối những nỗ lực của Mỹ nhằm mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa, thiết bị y tế và các hàng hóa khác. Các công ty công nghệ Mỹ phàn nàn về các biện pháp mà Ấn Độ sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp Internet.
Ông Trump thì chỉ trích Ấn Độ về việc áp thuế cao đối với xe máy Mỹ. “Ấn Độ là một quốc gia có mức thuế rất cao và họ tính phí rất lớn” – ông Trump nói hồi tháng 3/2019.