GS Đỗ Quang Hưng nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam: Cái cần có và cái đã có (phần 1)

17/06/2019 16:21

Mọi tôn giáo đều chứa đựng những giá trị đạo đức gần như bất biến, nhưng tôi nói luôn rằng giá trị đạo đức của tôn giáo nếu hiểu trên cả 2 bình diện: đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân như mọi hệ ý thức tư tưởng khác, đặc biệt là trong thế giới ngày nay, thì đó là những giá trị đạo đức “khả biến” nữa chứ- GS Đỗ Quang Hưng

GS Đỗ Quang Hưng nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam: Cái cần có và cái đã có (phần 1)

Ảnh: Quang Vinh

Hồng Thanh Quang:Thưa giáo sư, nhìn vào thực tế hiện nay, liệu có ở quốc gia nào trên thế giới mà các tôn giáo đều được có vị trí như nhau trong cách tiếp nhận của các công dân hay không? Sự thực có phải là mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn sự ưu tiên trong tín ngưỡng của mình tùy theo các yếu tố dân tộc và lịch sử?

GS Đỗ Quang Hưng: Câu hỏi của anh, nghe có vẻ “bình thường”, nhưng nó lại đụng đến vấn đề cơ bản bậc nhất trong đời sống tôn giáo ở mọi quốc gia, đó là thể chế luật pháp tôn giáo, hay nói rộng hơn là vấn đề Nhà nước thế tục (Secular State) hiện nay trên thế giới như thế nào? Không phải là có nước nào mà mọi tôn giáo đều có vị trí giống nhau trong cách tiếp nhận của các công dân mà là ở hầu hết các nhà nước trên thế giới hiện nay khi họ lựa chọn chủ nghĩa thế tục trong sự xác lập mối quan hệ và ứng xử với tôn giáo thì điều này đã và đang được thực hiện hơn 100 năm nay. Chủ nghĩa thế tục xuất hiện trong và sau cách mạng tư sản ở Âu - Mỹ từ nửa sau thế kỷ XVIII có 2 nguyên lý cơ bản. Đó là: Thứ nhất, Nhà nước luật pháp thừa nhận quyền tự do bình đẳng của các tôn giáo như những hệ ý thức, quyền tự do tư tưởng tín ngưỡng mà công dân lựa chọn; Thứ hai, nguyên lý còn quan trọng hơn, đó là nguyên tắc phân tách giữa quyền lực chính trị của nhà nước và quyền lực chính trị của tôn giáo, theo đó tất cả các tổ chức tôn giáo đều phải tách biệt quyền lực của mình khỏi quyền lực chính trị của nhà nước và mọi công dân không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền lực thần quyền nào, nếu thực hiện những điều đại thể nói trên thì nhà nước thế tục hoàn toàn có thể đảm bảo vị trí bình đẳng quyền tự do tiếp nhận bình đẳng các tôn giáo của công dân. Đại thể thì là như vậy, nhưng trong thực tế tiến trình của các nhà nước thế tục mà ngày càng phổ biến trên toàn thế giới như hiện nay thì điều đó cũng còn tùy thuộc ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào các mô hình nhà nước thế tục mà họ lựa chọn, chẳng hạn cũng không ít các nhà nước thế tục (ít nhất là hiến pháp của họ thừa nhận như vậy) nhưng điều kiện để công dân có thể tiếp nhận quyền tự do lựa chọn tôn giáo của mình. Tôi nói ngay như ở nước ta hiện nay, một nhà nước thế tục đa nguyên, hài hòa và hợp tác rất mềm dẻo trong chính sách tôn giáo, nhà nước hiện nay đã công nhận tới 15 tôn giáo và trên 40 tổ chức tôn giáo với số lượng tín đồ có tới 25 triệu người, nhưng về mặt pháp luật thì còn rất nhiều tổ chức tôn giáo chưa được công nhận, trong trường hợp ấy, những tín đồ của các tổ chức tôn giáo này chỉ được hưởng quyền thể nhân trong tự do tôn giáo mà thôi, tức là các tổ chức của họ khi chưa được công nhận chắc chắn chưa có đủ quyền địa vị pháp lý để hoạt động như các tổ chức tôn giáo nói trên; mặt khác chúng tôi đã nói rằng các nhà nước thế tục ngày một phát triển và là xu thế của nhân loại nhưng không ít các quốc gia chỉ chấp nhận mô hình cận thế tục hoặc nửa thế tục nghĩa là quyền tiếp nhận của các công dân với các tôn giáo cũng còn có sự hạn chế nhất định với tôn giáo này tôn giáo khác.

Khía cạnh thứ hai của câu hỏi này đó là nhà nước có quyền lựa chọn sự ưu tiên cho tôn giáo tín ngưỡng của quốc gia mình, tùy điều kiện lịch sử, yếu tố dân tộc? Có chứ! Có không ít nhà nước thế tục lựa chọn mô hình nhà nước – dân tộc – tôn giáo (Ethno – Religen), nghĩa là mô hình nhà nước thế tục có một tôn giáo chủ lưu nhưng họ vẫn cam kết tôn trọng các tôn giáo còn lại, chẳng hạn rất nhiều nước Bắc Âu đã lựa chọn đạo Tin lành; Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và nước Pháp trước đây đã chọn Công giáo; Hy Lạp chọn Chính thống giáo (LB Nga hiện nay cũng chọn Chính thống giáo). Đặc biệt, có không ít nhà nước nửa thế tục và cận thế tục trong thế giới Hồi giáo cũng đã chọn Hồi giáo “là tôn giáo quốc gia” như Indonesia, Malaysia và rất nhiều nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Luật pháp của Thái Lan, Campuchia và Lào cũng đã từng ghi nhận như vậy đối với Phật giáo. Mô hình những nước thế tục kiểu này đã đáp ứng được điều mà anh nói, đó là vai trò của yếu tố dân tộc và lịch sử, trước hết là lịch sử thế giới một nhà nước thế tục như vậy vừa có thể đảm bảo vị trí đặc thù của một tôn giáo lâu đời ở đất nước họ, thậm chí tôn giáo ấy còn có ảnh hưởng có tính quyết định đến bản sắc dân tộc, quốc gia thì sự ưu tiên pháp lý nói trên là hợp lý. Tôi muốn nói thêm trường hợp nước Anh, một đất nước của “Anh giáo” nhưng họ vẫn tuyên bố luôn đứng trong hàng ngũ nhưng nhà nước thế tục! Xin nhắc lại, với những quốc gia này thì mấu chốt vấn đề là ở chỗ các tôn giáo chủ lưu ấy không thể lạm quyền “Quốc đạo” mà ngược lại nhà nước càng phải có những chính sách thích hợp để tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của số còn lại, không chỉ trong việc được thừa nhận địa vị pháp lý mà còn được đảm bảo những quyền lợi của công dân trong đó có quyền tự do bình đẳng tôn giáo tín ngưỡng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội khác.

Có những quốc gia có Quốc đạo và có những quốc gia không có. GS có thể phân tích giúp sự được và sự có thể là chưa được ở từng hình mẫu đó không?

- Ngôn từ Quốc đạo được dùng rất phổ biến vì rằng trên thế giới hiện nay cũng còn không ít các quốc gia có tình hình này trong đời sống tôn giáo. Xin nói ngay rằng, về mặt luật pháp tôn giáo, Quốc đạo có hai ý nghĩa cần phải phân biệt: nghĩa thứ nhất đó là, Quốc đạo tức là Nhà nước tôn giáo (Religious State) hay còn gọi là những nước thần quyền tuyệt đối (Apsolute Theocracy), những nước lấy luật đạo trị luật đời trên thế giới hiện nay may mắn thay chỉ còn mươi mười lăm nước thuộc loại này, có nghĩa là những quốc gia không chấp nhận những nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục. Trong danh sách của những nước này trước hết phải kể đến trường hợp Nhà nước Hồi giáo Iran, Arab Saudi...

Trở lại loại hình đông đảo của những Nhà nước thế tục, nghĩa là những nhà nước phi tôn giáo mà chúng tôi đã đề cập ở câu trên. Cũng có không ít những nhà nước thế tục theo mô hình nhà nước – dân tộc - tôn giáo cũng đã từng ghi trong Hiến pháp của mình vị trí “Quốc giáo” (mà ở câu trên chúng tôi sử dụng từ phổ biến và chính xác hơn tôn giáo chủ lưu) như trường hợp Indonesia, Áo, Đức và cả Lào (những năm gần đây) khi những nước này khẳng định Hồi giáo, Công giáo, Phật giáo không phải là Quốc giáo đối với họ, mà chỉ thừa nhận nó là tôn giáo chủ lưu mà thôi.

Dù sao đây cũng là câu chuyện pháp lý và tôn giáo rất phức tạp vì rằng các nhà nước thế tục có mô hình này ngày một chịu sức ép của quyền tự do tôn giáo đi liền với những đòi hỏi của nền dân chủ và xã hội dân sự khiến cho sự ưu tiên với các tôn giáo chủ lưu nhạy cảm và dễ đụng độ với cộng đồng các tôn giáo còn lại trên mọi lĩnh vực của đời sống không chỉ là vấn đề tư tưởng đức tin. Riêng đối với thiểu số các Nhà nước tôn giáo nói trên những thập niên gần đây cho thấy nguyên tắc “luật đạo trị luật đời” của họ cũng gặp rất nhiều những khó khăn, những phản ứng xã hội, kể cả của cộng đồng tôn giáo được coi là Quốc đạo. Lịch sử phát triển cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran (1976) của Giáo chủ Khomeny đến nay đã cho thấy rất sinh động.

Thực tế cho thấy là tùy theo những điều kiện chính trị nhất thời ở từng khu vực mà có thể nảy sinh ra những mâu thuẫn, chia rẽ, thậm chí cả thù nghịch, ngay cả trong chính những tôn giáo truyền thống. Thí dụ như với Chính thống giáo trong trường hợp gần đây ở Ukraina và LB Nga… Theo GS, làm thế nào để có thể phòng ngừa được những câu chuyện như thế?

- Nếu tôi hiểu không lầm câu hỏi của anh thì đó là vấn đề với những tôn giáo được coi là tôn giáo chủ lưu như đạo Chính thống ở Nga, Ukraina, hoặc Công giáo và Tin Lành ở Đông Âu và Bắc Âu như tôi nói trên, có khi nào xảy ra mâu thuẫn của chính họ và cách mà nhà nước thế tục có thể giải quyết mâu thuẫn xung đột đó. Về điểm này các nước châu Âu kể cả Nga cũng đã có không ít những kinh nghiệm thất bại và thành công. Việc lựa chọn Công giáo là tôn giáo chủ lưu ở các nước Tây Âu trước đây không chỉ gây ra xung đột với nhà nước và Tòa thánh - người ta đã phải tốn công tìm ra Nguyên tắc Thỏa ước (Concordat) để giải quyết những xung đột chính trị với Tòa thánh mà còn phải giải quyết những xung đột của các tôn giáo khác, nhất là anh em Tin Lành với các Giáo hội Công giáo. Ở Bắc Âu, việc dựa vào Tin Lành, nhưng thế giới Tin Lành lại rất khác biệt về hệ phái, kể cả sự khác biệt về thần học, lối sống đạo. Đây cũng là một nguyên nhân xung đột tôn giáo chính trị ở Bắc Âu xưa nay. Riêng Chính thống giáo ở Hy Lạp có vẻ “ít vấn đề” vì có thể đất nước này là một trong những cội rễ và thành trì của đạo Chính thống duy nhất ở Tây Âu. Còn Chính thống giáo ở Nga, Ukraina và ở nhiều nước Đông Âu XHCN trước đây thì những xung đột có nhiều điểm khác biệt. Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga Sa hoàng gần như là một đế chế - Chính thống giáo. Vì thế, như Lenin nói, Giáo hội Chính thống cũng là kẻ thống trị ở nước Nga “Nhà tù của các dân tộc”. Những thập niên gần đây tình hình đã được thay đổi rất nhiều, chẳng hạn ở nước Nga thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp, cái mà nhà nước, dân tộc Nga dựa vào đạo Chính thống chủ yếu là lợi thế về văn hóa và sức cố kết cộng đồng của tôn giáo đem lại (hãy nhớ ý kiến của Ghennadi Zyuganov – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga: Một trong những lỗi lầm về chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây là ở chỗ đã loại bỏ vị thế văn hóa tinh thần của đạo Chính thống với nước Nga, cho nên vô tình khiến cho sức mạnh đại đoàn kết của nước Nga của Liên bang Xôviết bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt là thiếu mất một công cụ hữu hiệu để đối chọi cân bằng với các nước phương Tây, chủ nghĩa tư bản, Công giáo và Tin lành). Mặt khác, nước Nga hiện nay đã mở rộng quyền tự do tôn giáo cho nhiều tôn giáo kể cả những nhóm nhỏ mới xuất hiện. Bên cạnh Công giáo, Tin Lành, nước Nga đã tạo điều kiện pháp lý tốt hơn với Phật giáo, với một số hệ phái Tin lành mới xuất hiện, kể cả với cộng đồng Mormons nhỏ bé… Nói tóm lại, đối với nhà nước thế tục thì nguyên tắc tự do tôn giáo phải luôn đi liền với quyền bình đẳng và tự quyết của các tôn giáo. Then chốt vấn đề là ở đấy.

GS có thể nói gì về bức tranh liên kết giữa các trung tâm Phật giáo ở khu vực Trung Nam Á?

- Bức tranh liên kết giữa các trung tâm Phật giáo ở Trung Nam Á ư? Tôi không có nhiều hiểu biết và thông tin về Phật giáo ở khu vực này, nhưng có thể nói rằng, sau sự kiện Đại lễ Vesak lần thứ 3 vừa diễn ra quy mô lớn và thành công tốt đẹp ở ngôi chùa Tam Chúc – ngôi chùa tuổi ít nhất, nhưng đồ sộ và hoành tráng, nhưng tôi có thể chia sẻ cảm giác với anh rằng, đúng là lần đầu tiên Đại lễ hội này cho thấy, đã có một thực thể Phật giáo ở Trung Nam Á, gần như tự nhiên đã hình thành mối liên kết cộng đồng ít nhất là đã có những Tuyên bố chung giữa các Trung tâm Phật giáo ở khu vực này. Khu vực Trung Nam Á, ai cũng biết rằng là nơi tập trung nhất của đại gia đình nhà Phật từ Bắc Tông, Nam Tông, Phật giáo Tây Tạng, cho đến nhiều hệ phái Phật giáo khác. Về mặt địa chính trị, khu vực Trung Nam Á đã và đang diễn ra những biến động địa chính trị to lớn và sâu sắc. Nhưng rất đáng mừng với những người được khán dự sự kiện này, bản thân tôi trộm nghĩ rằng, cộng đồng các trung tâm Phật giáo Trung Nam Á đã có khả năng vượt lên trên sự liên kết có tính tôn giáo (sự hòa giải và đồng thuận giữa các hệ phái) mà còn có khả năng cao hơn trong liên kết với các thể chế chính trị các nhà nước trong khu vực khiến cho cộng đồng Phật giáo ở Trung Nam Á có khả năng đóng góp hiệu quả hơn trong việc hướng tới sự nghiệp chung, đó là Hòa bình – Hợp tác – Dân chủ - Phát triển bền vững trong khu vực.

Tôi nhớ rằng, riêng với Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên họ được tham gia các hội nghị quốc tế của Phật giáo thế giới ở Columbo, Sri Lanka đầu những năm 1950. Đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam nhỏ bé về số lượng do Hòa thượng Thích Trí Hải đứng đầu, lần đầu tiên mới được biết đến thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội Phật giáo”... Thời gian qua đi, rõ ràng ngày hôm nay vị thế của Giáo hội Phật giáo là một ví dụ tiêu biểu. Chúng tôi nghĩ rằng trong thế giới hiện đại và toàn cầu hóa cộng đồng các tôn giáo không thể tách rời việc nâng vị thế của tôn giáo mình, trước hết trong việc tạo ra và củng cố những mối liên kết quốc tế trong cộng đồng tôn giáo mình, mà còn phải mở rộng hơn nữa khả năng liên kết với các tôn giáo bạn trên thế giới, xem như đó là một phương thức kết hợp với việc nâng cao vai trò vị trí của tôn giáo mình trong chính đất nước ta – một đất nước Việt Nam đổi mới và XHCN đã và đang có vị thế ngày càng lớn.

GS Đỗ Quang Hưng nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam: Cái cần có và cái đã có (phần 1) - 1

Ảnh: Quang Vinh

Trong mỗi một tôn giáo đều ẩn chứa những giá trị đạo đức bất biến, có ý nghĩa dài lâu. Tuy nhiên, tùy theo thời đại và quốc gia mà những giá trị đó có thể đượccác nhà truyền giáo giải thích theo những cách khác nhau. Theo GS, làm thế nào để những cách diễn giải đó không làm nảy sinh mâu thuẫn với chính quyền thế tục ở những thời điểm lịch sử nhất định và ở những quốc gia nhất định có màu sắc chính trị khác với nơi đã phát sinh ra tôn giáo đó?

- Mọi tôn giáo đều chứa đựng những giá trị đạo đức gần như bất biến, nhưng tôi nói luôn rằng giá trị đạo đức của tôn giáo nếu hiểu trên cả 2 bình diện: đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân như mọi hệ ý thức tư tưởng khác, đặc biệt là trong thế giới ngày nay, thì đó là những giá trị đạo đức “khả biến” nữa chứ. Chúng ta đều biết rằng mọi tôn giáo, kể cả loại tôn giáo đặc biệt như Nho giáo, các giá trị đạo đức đã được thiết chế và xã hội hóa một cách “công thức” dễ vào khuôn phép và buộc phải tiếp nhận hơn. Nếu như người Công giáo và Tin lành có Thần học đạo đức (Thêologio moral) thì Phật giáo cũng có một hệ thống đạo đức dưới dạng những răn dạy của Đức Phật (Lục hòa; Ngũ giới) rất nổi tiếng và quen thuộc với loài người. Câu hỏi anh đặt ra khá hay đó là cách diễn giải khi các giáo hội tín đồ các tôn giáo ấy thực thi sứ mệnh truyền giáo của mình. Việc diễn giải tư tưởng hệ thống nguyên tắc về đạo đức tôn giáo nói trên trước hết phải nói đôi lời về những gì đã xảy ra trong lịch sử truyền giáo hàng nghìn năm của họ (với các tôn giáo lớn nói trên). Lịch sử truyền giáo có rất nhiều sự kiện và kinh nghiệm thành công hoặc thất bại (có thể là tạm thời cũng có thể là gần như vĩnh viễn không phục hồi được). Người Công giáo có Thần học, có Thánh kinh, có sách Giáo lý, nhưng rõ ràng hàng trăm năm khi Công giáo nhập vào các xã hội châu Á thì các giáo sĩ và cả Tòa thánh cũng không dễ thành công. Ai cũng biết Thiên chúa là đạo của tình yêu, có những giáo lý về đạo đức tiến bộ như chế độ một vợ một chồng, đề cao lao động cá nhân, coi trọng tiền bạc, giữ đạo đức, nhưng khi các giáo sĩ truyền bá những tư tưởng đạo đức ấy trong xã hội châu Á thì vấp phải hàng loạt xung đột về văn hóa, tín ngưỡng, tâm lý dân tộc, một sự kiện tiêu biểu đó là vấn đề thờ cúng tổ tiên. Do sự khác biệt quan niệm về Thần học (Thờ cúng và Kính nhớ). Đối tượng Thờ cúng (Thiên chúa – Ba ngôi – Chỉ có một) thì truyền thống Đông Á lại thờ Trời (Ông Trời – Đấng tối cao vô nhân xưng) và thờ Cha mẹ Tổ tiên. Xung đột nghi lễ và đạo đức này đã diễn ra hơn 100 năm ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam. Mặt khác, đúng như anh nói còn khó khăn không kém, đó là diễn giải đạo đức của những người truyền giáo với các nhà nước (nhà nước phong kiến trước đây và các nhà nước thế tục hiện nay). Như tôi đã nói khái quát ở trên, trước đây các ông Vua, Hoàng đế ở Đông Á thường kết tội các giáo sĩ không chỉ về mặt chính trị mà còn về phương diện đạo đức.

Ngày nay những xung đột như thế vẫn còn tiếp diễn nhất định, chẳng hạn với nhà nước ta hiện nay những câu chuyện như sinh đẻ có kế hoạch, cũng đụng đến sự khác biệt giá trị đạo đức của Công giáo mà cả hai phía cũng đã phải tốn nhiều công sức đến nay mới “tạm hòa giải” với các chính sách xã hội của nhà nước về hôn nhân và gia đình. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, chưa bao giờ như hiện nay, sự thay đổi của các giá trị và phạm vi đạo đức nó khác biệt, nếu như các nhà nước thế tục hiện nay buộc phải quan tâm đến những vấn đề mới nảy sinh của xã hội hiện đại về phương diện đạo đức cá nhân và xã hội như: nhân bản vô tính, hôn nhân đồng giới, các vấn đề về giới tính, thâm chí đạo đức sinh học (chẳng hạn, cái chết nhân đạo...). Rõ ràng, từ Tòa thánh cho tới các Giáo hội Công giáo địa phương, quan điểm khác biệt về những vấn đề này còn rất lớn, thậm chí nó ảnh hưởng một phần đến đời sống chính trị của đất nước. Ở Việt Nam vấn đề này có vẻ không quá gay gắt vì nhà nước và các Giáo hội dường như đã có những kinh nghiệm của quá khứ để có thể cùng nhau tìm ra những con đường gắn kết đạo – đời.

Còn nữa...

Hồng Thanh Quang(thực hiện)