GS Đỗ Quang Hưng nói về đời sống tôn giáo ở Việt Nam: Cái cần có và cái đã có (phần 2)
Phật giáo là một tôn giáo luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc như “nước hòa với sữa”- GS Đỗ Quang Hưng
Phật giáo vẫn là tôn giáo có nhiều lợi thế nhất trong việc cung ứng “dịch vụ tâm linh” thích hợp nhất. Ảnh: Quang Vinh
Hồng Thanh Quang:Có ý kiến cho rằng khi những nhà truyền giáo quá tự tin vào sức mạnh tín ngưỡng của mình và can thiệp quá sâu vào đời sống chính trị sở tại thì rất dễ tạo ra những mối nguy hiểm không đáng có đối với tôn giáo của họ? GS có thể lý giải về câu chuyện này không và liệu có những thí dụ thực tế nào có thể minh họa cho nhận định này?
GS Đỗ Quang Hưng: Câu hỏi này của anh, tôi nghĩ là rất quen thuộc trong lịch sử truyền giáo và cũng là vấn đề nhiều khi rất gay gắt xung đột giữa nhiều quan điểm cách nhìn của phía các giáo hội, giáo sĩ và giới chính trị, giới quản lý, nhà chuyên môn của các nước sở tại. Nói một cách cụ thể hơn, có lẽ then chốt vấn đề là ở chỗ, các nhà truyền giáo có lý hay không khi họ cho rằng việc “mở nước Chúa” đó là sự thôi thúc của đức tin, của thiên chức của người Công giáo? Câu hỏi khác của anh “có phải sự can thiệp quá sâu vào đời sống chính trị của nước sở tại thì tạo ra những nguy hiểm không đáng có với chính tôn giáo của họ?”.
Về câu hỏi thứ nhất, cũng không khó để có ví dụ. Từ thế kỷ XVII, khi Công giáo thực sự vào Việt Nam, lúc đó là Đàng Trong rồi ra Đàng Ngoài, ý kiến phổ biến của các giáo sĩ tiên khởi thuộc nhiều Dòng tu nổi tiếng đều nói rằng, các giáo sĩ chỉ là những “chiến sĩ của Tòa thánh”, gieo rắc Tin mừng, không can dự gì về chính trị cả. Tuy vậy, khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra (9/1858 trở đi) thì họ buộc phải đứng trước thực tế là không thể lý giải động cơ truyền giáo chỉ “đơn giản như vậy”. Chúng tôi không phủ nhận rằng, cũng có không ít những giáo sĩ không dính đến hoặc không có tâm địa thực dân, nhưng khách quan hoạt động truyền giáo của họ ở thời điểm ấy ít hay nhiều đều dính líu đến các mục tiêu chính trị của “chính quốc”. Sau này, người Công giáo Việt Nam cũng đã tỉnh táo nhận xét: “Lịch sử của Giáo hội chúng ta có ánh sáng và bóng tối xen lẫn” (Linh mục Trương Bá Cần).
Về câu hỏi thứ hai, việc can thiệp quá sâu vào chính trị của các giáo sĩ thì có lẽ Giám mục P. de Behaine (Bá Đa Lộc), Linh mục Húc, Giám mục Puginier… là tiêu biểu. Các nhân vật này, hoặc trợ giúp Nguyễn Ánh, hoặc trực tiếp tham gia soạn thảo các kế hoạch quân sự đánh chiếm từ Đà Nẵng, Gia Định rồi thành Hà Nội. Ngày nay, chúng ta càng có điều kiện tiếp xúc với hàng loạt tài liệu lưu trữ ở Pháp và một số nước liên quan như Tây Ban Nha, Philippines... để minh chứng nhận định này.
Chúng ta có thể rút ra điều gì ở đây, theo chúng tôi không nên “vơ đũa cả nắm” khi nhận định chung chung rằng các giáo sĩ luôn luôn là tay sai của chủ nghĩa thực dân (ở thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII thực ra Vatican còn giữ được vị thế độc lập tương đối với các nước thực dân châu Âu đang lên). Chỉ từ đầu thế kỷ XIX thì họ đã phải thỏa hiệp, liên đới và cuối cùng là “đồng phạm” với chủ nghĩa thực dân.
Mặt khác cũng cần đánh giá rằng, không ít các giáo sĩ truyền giáo, bên cạnh những hoạt động tôn giáo thuần túy, bao gồm cả việc truyền bá văn minh phương Tây có nhiều điểm tiến bộ và tích cực với các xã hội Đông Á, thì họ còn có vai trò quyết định trực tiếp đến các kế hoạch xâm lược và bình định các nước thuộc địa như đã nói ở trên, như một sự tất yếu của lịch sử.
Tôn giáo là để chăm lo đời sống tinh thần nhưng cũng không thể làm ngơ với các nhu cầu vật chất của các tín đồ. Làm sao để hai lĩnh vực này có thể hài hòa? Liệu có những thí dụ thực tế về sự hài hòa đó không trong thế giới hôm nay?
- Ngày hôm nay, mô hình “tôn giáo nghi lễ” và “chiêm niệm” gần như đã qua rồi. Xã hội, nhà nước cũng như bản thân các tôn giáo đã chuyển hướng “sống đạo giữa đời” hoặc thế giới Phật giáo không chỉ hướng tới “Phật giáo dấn thân”, “Phật giáo nhập thế” mà còn có khuynh hướng “mới lạ”, đó là Phật giáo nhân gian, “tâm linh thế tục”…
Nói cách khác đúng như anh nêu trong câu hỏi, tôn giáo ngày nay không những nhấn mạnh ý thức nhập thế mà còn không làm ngơ trước nhu cầu vật chất của tín đồ. Xin nhắc lại câu nói, tấm lòng của Hồ Chí Minh với đồng bào các tôn giáo khoảng đầu những năm 1960, đó là nhà nước ta luôn luôn chúc đồng bào “ấm no phần xác, thong dong phần hồn”. Cũng xin nói thêm rằng, trong quá trình đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo từ 1990 trở lại đây, một mệnh đề có tính quyết sách, tính chính trị của các Văn kiện Đại hội Đảng những nhiệm kỳ gần đây đều có câu cần có những chính sách đồng bộ nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào có đạo!
Nếu cần phải nói thêm điều gì thì tôi muốn nói thêm rằng những quan điểm mới này xuất phát từ sự thay đổi gốc rễ về “người tôn giáo”. Loài người từng có nhận thức rằng, kinh nghiệm tôn giáo cho thấy, người tôn giáo thường phải đối mặt với cái siêu việt, huyền bí khác nhau mà họ phải trực tiếp trải nghiệm cuộc sống tu tập, chiêm nghiệm trước khi biết tới “duy lý”! Kinh nghiệm đó lại được củng cố khi phần lớn tín đồ các tôn giáo đều có xu hướng giảm hệ thống nhu cầu (diệt dục, trước hết là dục vọng vật chất ở Phật giáo chẳng hạn) dẫn đến thái độ quay lưng lại với đời sống vật chất (“Chơi ở cõi ngoài bụi trần”, Trang Tử). Thế giới hiện đại đã đảo ngược kinh nghiệm tôn giáo này, thậm chí đã “gọt giũa” các tôn giáo theo hướng trần tục hóa, với những ý nghĩa tích cực cho chính các tôn giáo.
GS lý giải thế nào về sự nồng nhiệt của đại đa số người dân Việt Nam đối với Phật giáo? Những nguyên do lịch sử nào?
- Vì sao đại đa số người Việt lại “nồng nhiệt với Phật giáo” như anh nhận xét? Tôi nghĩ rằng câu trả lời gần như đã có từ lâu và đã “định hình”, không chỉ với dân chúng mà còn với giới chuyên môn, giới chính trị. Trước hết tôi cũng muốn nhắc lại một nhận định có tính tiên quyết: bản thân một đất nước như Việt Nam có cấp độ đa dạng tôn giáo (thậm chí mới mẻ và khó nhận thấy hơn là sự xuất hiện cả xu hướng đa nguyên tôn giáo với ý nghĩa là một bộ phận người dân hiện nay đã chấp nhận những niềm tin song song, với nhiều đối tượng thờ phụng). Tuy vậy, trong “Thị trường tôn giáo” (Religious Market) khá sôi động ở nước ta hiện nay, ngoài những lý do chung của tình cảm và nhận thức ở người Việt với đạo Phật (một tôn giáo chỉ có “Đức Phật” gần gũi với cuộc đời, không có “Thiên Chúa siêu việt”; một tôn giáo không có thể chế, giáo luật khắt khe dù vẫn có Hội Tăng già và điều gần gũi hơn nữa với tâm thức người Việt đó là: Phật giáo là một tôn giáo luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc như “nước hòa với sữa”). Tôi muốn nói thêm một điều có vẻ tôn giáo học một chút: Sự lựa chọn Phật giáo ở người Việt không phải không có những thăng trầm. Đã có những thế kỷ Phật giáo suy tàn, “sư ông chải chuốt, vãi già đong đưa” (Phạm Thái)! Nhưng nói cho cùng, ở đầu thế kỷ XXI này, thế kỷ mà “tâm thức tôn giáo, tâm linh quay trở lại” thì rõ ràng Phật giáo vẫn là tôn giáo có nhiều lợi thế nhất trong việc cung ứng “dịch vụ tâm linh” thích hợp nhất.
G.Le Bon có nói: “Cá tính của dân tộc và tín ngưỡng của họ là chìa khóa của định mệnh chính họ”. Tôi thấy có thể vận dụng nhận định độc đáo này vào trường hợp Phật giáo ở Việt Nam.
Có phải Phật giáo gần với tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt nhất hay là chính tín ngưỡng dân gian của người Việt đã biến cải Phật giáo ở Việt Nam như trong hình thái hiện nay?
- Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, cái nào “biến cải” cái nào ư? Đây là một câu hỏi rất hay nhưng không dễ trả lời. Trước khi bộc lộ ý kiến của mình, tôi muốn nói một chút về từ “biến cải” mà anh dùng. Với Phật giáo, một trong những tôn giáo thế giới có nền tảng triết lý, giáo lý (gọi chung là Phật pháp) lớn, sâu thẳm và đồ sộ khó có chuyện nó bị “biến cải”! Đầu thế kỷ XX, đại sư Thái Hư có nói trong tuyên ngôn về Chấn hưng Phật giáo rằng, Giáo hội Phật giáo cần phải chú ý cả ba cuộc cách mạng: giáo lý, giáo sản, giáo chế! Nhưng cần lưu ý rằng cách mạng về giáo lý, chỉ có ý nghĩa là việc cải tiến truyền giảng kinh Phật cho phù hợp với thời đại mà thôi.
Trong thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam, mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng (nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một trong ba hình thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của dân tộc, bên cạnh thờ Thành hoàng và Thờ cúng Tổ tiên). Phật giáo Bắc tông của nước ta không e ngại mô thức tiền Phật hậu Thánh ở hầu hết các ngôi chùa, thậm chí còn “chấp nhận có điều kiện” hình thức đốt vàng mã, cúng sao giải hạn… Tôi cũng muốn nói thêm rằng chính Đức Trần Thái Tông, tác giả Khóa hư lục viết rằng: “Đạo của Đức Phật ta phải mượn đấng Tiên Thánh Nhân để truyền bá cho đời”! Khó có câu nào hay hơn về vai trò của tín ngưỡng như một “phương tiện” để truyền đăng như thế.
Ở chiều ngược lại, thái độ của tín ngưỡng thờ Mẫu chẳng hạn, từ xa xưa luôn coi Phật giáo như một “không gian tôn giáo lớn, một bệ đỡ tâm linh” cho mình, thậm chí cảm thức Đức Phật, nhất là Đức Bồ Tát, đấng Giác ngộ và cứu giúp thân phận con người là biểu tượng và cảm hứng nghệ thuật diễn xướng của tín ngưỡng thờ Mẫu – lên đồng… Những năm gần đây ở không ít ngôi chùa, tự viện lớn của Phật giáo Bắc tông, đã xuất hiện slogan khá thú vị “đến với Phật về với Mẫu”, đặc biệt trong các cuộc hội thảo được tổ chức khá trang trọng… Quan điểm này dường như lấy một phần nguồn lực triết lý từ Mẹ - đất nước, một mô thức gần gũi với thứ chủ nghĩa dân tộc ngay ở thời đại hiện nay.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng mối tương duyên giữa hai hình thức tôn giáo tín ngưỡng này ở Việt Nam sâu đậm, có nhiều nét đặc biệt trong sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Phật giáo chắc chắn không “biến cải” cả tín ngưỡng (thờ Mẫu), ngược lại không thể đặt vấn đề tín ngưỡng lại có thể “biến cải” Phật giáo, thậm chí chỉ ở trạng thái “về nguồn” như slogan nói trên… Vấn đề chỉ còn là ở chỗ: nhà nước, người dân Việt hôm nay, những chủ thể lựa chọn các hình thức tôn giáo tín ngưỡng theo nhu cầu của mình mà thôi. Gần đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những quyết định có tính tích cực trong việc hạn chế đốt vàng mã trong chùa…
Đến với Phật, về với Mẫu. Ảnh: Quang Vinh
Trong giai đoạn hiện nay, Phật giáo nên giữ vai trò thế nào khi thực hiện những sứ mệnh nhập thế của mình?
- Sứ mệnh nhập thế của Phật giáo Việt Nam theo tôi có thể tạm chia thành ba giai đoạn. Phật giáo Lý – Trần thế kỷ XI–XIII, giai đoạn mà không ít người Việt gọi nó là Quốc giáo, chúng tôi thì gọi Phật giáo là Tôn giáo chủ lưu, như đã bộc bạch ở phần trên. Đặc điểm nhập thế của giai đoạn này, chủ yếu là nhập thế chính trị: từ các vị cao tăng đến các trí thức Phật giáo tên tuổi luôn luôn cổ vũ Phật tử xả thân vì nước “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Giai đoạn Chấn hưng Phật giáo (đầu thế kỷ XX đến cuối thập niên 1960) xu hướng nhập thế chính trị đã đan xen rõ nét hơn với nhập thế về mặt xã hội. Phong trào Phật giáo ở miền Nam những năm “Pháp nạn”, ngọn lửa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức đã góp phần làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1963) mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh khái quát trong hình tượng đẹp “Hoa sen trong biển lửa”. Dư luận thế giới còn đánh giá rằng, nhập thế chính trị của Phật giáo miền Nam (Bouddhisme engagé) là tiêu biểu bậc nhất thế kỷ XX...
Những năm gần đây dường như xu hướng nhập thế của Phật giáo đã bước sang trang mới, có thể gọi là giai đoạn ba với xu hướng Phật giáo - tâm linh thế tục, như chữ dùng của Đạt Lai Lạt Ma với ý nghĩa Phật giáo không chỉ nhập thế vào đời sống xã hội mà còn nhập thế vào đời sống tâm linh tình cảm của các cá nhân, như một phương tiện cứu rỗi an ninh sinh tồn, một trạng thái phổ biến của con người trong thế giới hiện đại. Ngoài ra, Phật giáo ngày nay còn hiện ra trước nhân loại không phải như một cộng đồng tôn giáo chỉ chú tâm “diệt dục”, mà còn là một tôn giáo có một Nền kinh tế Phật giáo, với ý nghĩa đích thực của từ này. Kinh tế tôn giáo (Religiuos Economic) là một thuật ngữ chỉ nền kinh tế đó của Phật giáo nói riêng và của các tôn giáo nói chung, do chính các nhà kinh tế học đưa ra... Đây là vấn đề mới, chỉ xin phép gợi ra như vậy.
Những biến đổi trong hoạt động Phật pháp thời hiện đại có thể được đánh giá như thế nào, đó có phải là sự thích ứng với những nhu cầu nhân sinh mới hay không?
- Như đã nói ở trên, những giá trị triết lý và tôn giáo cơ bản của Phật pháp (Dharma) là định vị. Tuy vậy, Phật giáo cũng như các tôn giáo lớn khác cũng có những “điều chỉnh” nhất định, đặc biệt trong khâu giải mã Thánh kinh (môn học Chú giải Kinh thánh), Phật pháp. Phật giáo không hề có một sự kiện như Công đồng Vatican II (1962-1965), trong đó Giáo hội Công giáo có những canh tân đổi mới thần học rất cơ bản, thậm chí là “từ bỏ một số độc quyền” về tín lý như độc quyền Cứu độ, chấp nhận tính dân tộc trong thể chế toàn cầu của Tòa Thánh, đối thoại tôn giáo kể cả với khoa học và chủ nghĩa vô thần… Nhưng Phật giáo lại có nguyên tắc Giới – Định – Tuệ, trong đó thật lạ lùng, Đức Phật đề cao phép biện chứng tự nhiên và xã hội.
Trong các tôn giáo lớn chỉ có Phật giáo là dám phủ định thuyết Tạo dựng hay thuyết Sáng tạo thông minh, vì thế tránh được tình trạng “qua sông mà vẫn phải vác bè trên vai” cũng không có “truyền thừa” cho ai cả. Kinh Kalamas Sutta cho thấy Đức Phật luôn luôn dặn dò tính biện chứng, tránh giáo điều cho Phật tử. Đức Phật không những khuyên các đệ tử của mình dứt bỏ tham, sân, si, phát triển bốn đức tính vô lượng từ, bi, hỉ, xả mà còn khuyên nhủ Phật tử tránh những sai lầm có tính giáo điều sau đây: quá nệ vào Thần khải (Kinh Vệ Đà, tức Chân lý); quá nệ vào truyền thống; lập luận đơn thuần, xem xét dữ kiện một cách hời hợt, chỉ chấp nhận một quan điểm, chỉ chấp nhận một lý thuyết…
Trên tinh thần ấy hoạt động Phật pháp của Phật giáo hôm nay đã có những biến đổi quan trọng theo hướng thích ứng với nhu cầu của nhân sinh, của xã hội hiện đại. Chẳng hạn, Phật giáo nhân gian của đại sư Ấn Thuận đã đưa ra ba phạm trù căn bản: Đức Phật – Bồ Tát – Con người; trong đó kết hợp nhuần nhuyễn hơn nguyên lý duyên khởi và tính không… Đặc biệt, khuynh hướng tâm linh thế tục như Đạt Lai Lạt Ma thường nói, đó là một nền đạo đức thế tục, một đảm bảo cho thế giới nhân sinh. Khuynh hướng này cho rằng không có cái Tôi cũng chẳng có Chúa, chỉ có một thứ vĩnh viễn là trí tuệ và cái tốt. Đó chính là tinh thần biện tâm, hành thiền tích cực, mở rộng trái tim vẫn giữ nguyên tắc Bát chính đạo nhưng chống lại sự mê tín, cuồng tín và cả chánh tín…
Đây là một câu chuyện dài và hệ trọng của Phật giáo ngày hôm nay, điều đó quả thực một lần nữa chứng minh cho tính ưu việt của tư duy Phật giáo, đồng thời tăng thêm tính hấp dẫn của Phật giáo không chỉ cho các không gian xã hội ở Châu Á…
Đâu là giới hạn của những cách tân tôn giáo trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử?
- Cải cách hay canh tân tôn giáo trong lịch sử loài người là những sự kiện tôn giáo rất đáng chú ý. Bởi lẽ với những tôn giáo thế giới (Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo) khi xảy ra những cuộc cải cách như thế thì ảnh hưởng của nó không chỉ là câu chuyện nội bộ của giáo hội mà nó còn ảnh hướng lớn đến tiến trình của văn minh nhân loại. Nhưng đúng là cũng có những giới hạn cho những cuộc canh tân tôn giáo như thế. Cuộc cải cách Tin Lành ở châu Âu thế kỷ XVI rất nổi tiếng không chỉ vì nó là cuộc “ly khai” thứ hai, tạo nên một cộng đồng tôn giáo mới, tách khỏi Công giáo Rôma mà còn là một nhân tố tạo nên các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu. Nhưng rõ ràng ở Tây Ban Nha hoặc nước Anh khả năng tiếp nhận cuộc cải cách ấy có hạn chế hơn ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ. Điều này không chỉ vì ở đó không bị thuần phục dưới sự thống trị khủng khiếp của Tòa án Dị giáo mà còn phụ thuộc bởi những đặc tính nền tảng của các dân tộc khác nhau dù rằng họ cũng luôn bị sự “thôi miên của các tín ngưỡng” chi phối…
Tương tự như vậy, sau hơn 50 năm Công đồng Vatican II kết quả của công cuộc canh tân và nhập thế của các giáo hội địa phương vẫn như “những công trường đang dang dở”, như chính các giáo hội châu Á thừa nhận. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ít khi có cuộc tổng kiểm điểm về phong trào Chấn hưng Phật giáo, nhưng tài liệu và suy nghĩ của giáo hội đây đó cũng cho thấy sự thận trọng khi đánh giá những hiệu quả của nó.
Mặt khác vấn đề này còn liên quan trực tiếp đến câu chuyện quan trọng có tính thường trực hơn, ở tất cả các quốc gia, các giáo hội toàn cầu đó là tôn giáo và tính hiện đại. Ở đây tôi chỉ có thể nói thêm một câu này, xã hội hiện đại và tính hiện đại là một thách đố trực tiếp trên mọi lĩnh vực đối với mọi tôn giáo nếu như các tôn giáo ấy muốn dấn thân và nhập thế hơn. Nhưng đó là một câu chuyện khi khác…
Theo GS, thế nào là triển vọng đời sống tôn giáo trong sự phát triển của nước Việt Nam ta trong tương lai? Có thể phác họa những nét cụ thế gì và liệu có thể thấy trước được những sự tích cực cần mong đợi cũng như những hệ lụy nên tránh hay không?
-Tôi nghĩ rằng, triển vọng của đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới của đất nước hiện nay không còn là câu chuyện “của tương lai” mà nó đã và đang diễn ra khá sôi động và thú vị. Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, bức tranh đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay thực sự đã có nhiều điểm sáng, đem lại niềm vui, sự đồng thuận gắn bó của đồng bào có đạo và cộng đồng những người không tôn giáo. Thực ra, cách phân chia xã hội học tôn giáo kiểu này mới chỉ đơn thuần dựa vào tiêu chí mỗi cá nhân đã tuyên tín hay chưa? Còn trong thực tế ngoài 25 triệu đồng bào thuộc các tôn giáo (chỉ là thuộc số những tôn giáo đã được công nhận), con số này chắc chắn còn thấp hơn trong thực tế vì còn hàng loạt các tôn giáo và tổ chức chưa được công nhận tư cách pháp nhân. Vả lại, ở Việt Nam, con số này chỉ dựa vào các báo cáo của các cơ quan chức năng, chưa có một cuộc điều tra nhân khẩu học tôn giáo (Religious Demography) cả!
Trở lại những người “không tôn giáo” ở nước ta thì chắc chắn là mối duyên nợ của cá nhân và gia đình, thậm chí tộc họ của họ cũng thường gắn bó với những hình thức tín ngưỡng khác… Có lẽ cũng cần phải xét lại nhận định của Max Weber trước đây: người Trung Hoa và các xã hội lân cận tâm thức tôn giáo bàng bạc. Có những câu chuyện với người Việt Nam còn quan trọng hơn thế, đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc/dân tộc, trong đó yếu tố tôn giáo chưa bao giờ là một thách đố lớn nhất cả. Khi dân tộc và đất nước đã vươn vai đứng dậy trong đổi mới, vượt qua đói nghèo, đã và đang hiện hình một đất nước Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế khá thành thục thì chỗ đứng, bầu khí, kể cả những không gian thiêng của đồng bào có đạo đều được cải thiện rõ rệt…
Tôi hơi bất lực khi chọn lựa một vài từ để diễn đạt trạng thái mới này của dân tộc và của đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Dĩ nhiên, cuộc sống là vậy, trước mắt còn có không ít những vấn đề đặt ra mà nhà báo gọi là những hệ lụy. Chỉ xin nói rằng, trên con đường xây dựng một nhà nước pháp quyền về tôn giáo như Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định từ Đại hội X đến Đại hội XII; Đảng và Nhà nước ta, Giáo hội các tôn giáo đã và đang xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục đa nguyên, hài hòa và hợp tác như tôi ít nhiều đã phác họa ở phần trên. Bộ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (tháng 11/2016) đã đi vào cuộc sống hơn một năm nay là một dấu chứng nổi bật. Có không ít những điều luật đem lại niềm tin, sự phấn khởi cho các giáo hội và tín hữu của họ như lần đầu tiên, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng được mở rộng với cả hai chiều kích cá nhân và tổ chức giáo hội, gần hơn với các Công ước quốc tế về quyền con người (điều 6). Cũng lần đầu tiên ngôn ngữ pháp luật tôn giáo ở Việt Nam có câu “quyền pháp nhân phi thương mại” cho các tổ chức tôn giáo (điều 30) hoặc cũng lần đầu tiên chế độ đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân cho các tổ chức tôn giáo nhanh gọn, thông thoáng như trong bộ luật này.
Nhưng chúng ta cũng đủ tỉnh táo để thấy rằng, đời sống tôn giáo vẫn đang đứng trước những lôgic của sự vật như chính bản thân Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo khi mới đi vào cuộc sống hơn một năm. Người có tôn giáo tự hỏi, bản thân những điều luật đã đảm bảo cơ sở pháp lý cho họ, tổ chức tôn giáo của họ có đủ điều kiện để trở thành những chủ thể kinh tế (của một nền kinh tế tôn giáo, không chỉ “từ thiện”); một chủ thể của tư cách pháp nhân dân sự trong các hoạt động văn hóa xã hội khác như y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo…? Quan hệ Nhà nước – Giáo hội ở Việt Nam theo chúng tôi luôn là vấn đề cốt lõi của mọi chính sách tôn giáo và chính sách xã hội có liên quan. Sự cải thiện của mối quan hệ này là rõ rệt nhưng thực sự nó đã đủ tầm cần thiết?
Đời sống tôn giáo luôn là một mảng đặc biệt trong đời sống xã hội nói chung. Đất nước ta, xã hội, con người Việt Nam đang biến đổi với những triển vọng đã có thể chạm tới và hít thở bầu khí sinh tồn của nó. Vậy thì sao người có đạo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam lại không có chỗ đứng thích đáng trong một viễn tượng như thế!
Xin cảm ơn GS!