Tuyển sinh lớp 10 THPT: Học sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng
Nhiều thí sinh đỗ vào lớp 10 trường THPT mình đăng ký lại đang tiếc nuối vì “giá như biết điểm chuẩn giảm mạnh thì đã đăng ký trường A chứ không phải trường B hiện nay”. Trong khi đó, hơn 20.000 học sinh Hà Nội không đỗ trong kỳ thi vừa qua có thể lạc quan hơn hơn vì vẫn còn cơ hội ở các trường THPT công lập tự chủ tài chính, các trường THPT ngoài công lập với tổng chỉ tiêu lên tới 24.500.
Tiếc nuối nguyện vọng 1
Với cách tính “điểm trần”, không cộng điểm nghề và điểm học bạ khiến điểm chuẩn của các trường THPT công lập ở Hà Nội năm nay giảm mạnh, không có trường nào xét tuyển trên mức 50 điểm. Nhiều thí sinh và gia đình khi biết điểm chuẩn vào trường đã “sốc”, tiếc nuối vì đã không dám động viên con đăng ký nguyện vọng (NV) 1 vào trường mình thích.
Tuy nhiên, trên thực tế, điểm chuẩn vào trường mới chỉ phản ánh một phần, còn thực tế phổ điểm của thí sinh vào trường có thể chênh lệch lớn. Đơn cử như Trường THPT Thăng Long năm nay là một trong những bất ngờ và tiếc nuối lớn của rất nhiều thí sinh và gia đình khi điểm chuẩn vào trường chỉ 40 điểm, cách biệt so với điểm chuẩn năm 2018 tới 9,5 điểm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào điểm thi thực tế của 675 học sinh đỗ vào trường thì lại là một bất ngờ khác. Cụ thể, có 401 học sinh trúng tuyển đạt điểm trên 50; trong đó có 1 học sinh đạt 56,5 điểm, chỉ kém thủ khoa Nguyễn Thị Thanh Lam Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy (đạt 56,75 điểm). Chỉ có 4 học sinh đạt điểm thấp nhất trong khoảng từ 40 đến dưới 45, còn lại điểm trúng tuyển đều trên 45. Như vậy, mức điểm chuẩn vào trường rõ ràng chưa phản ánh hết chất lượng của học sinh trong trường.
Lý giải từ phía nhà trường cho biết, năm nay chỉ có 870 học sinh đăng ký dự thi vào trường trong khi đã có 130 em đã thi đỗ vào các trường chuyên nên chỉ còn lại khoảng 740 em. “Tỉ lệ chọi” thấp như vậy (so với mọi năm) cho thấy khi đăng kí nguyện vọng, học sinh và phụ huynh đều cân nhắc kĩ để chọn trường vừa tầm, dễ đỗ ngay trong nguyện vọng 1. Vì Trường Thăng Long mọi năm luôn lấy điểm cao nên không nhiều học sinh chọn nộp đơn đăng kí.
Một câu chuyện khác về NV là học sinh Nguyễn Văn Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đăng ký NV1 vào Trường THPT Trần Nhân Tông và trúng tuyển ngay đợt tuyển sinh đầu tiên. Tuy nhiên, do chưa tìm hiểu kĩ nên khi biết nhà trường không có hệ học tiếng Nhật, gia đình đang rất bối rối về việc tiếp sau đây việc học tiếng Nhật của em sẽ lỡ dở. Trước đó, Đức đã học 4 năm tiếng Nhật ở trường THCS. Việc thay đổi NV vào trường có hệ tiếng Nhật dù điểm chuẩn tương đương hoặc thậm chí thấp hơn là không được nên sau khi bàn bạc, gia đình quyết định vẫn sẽ để em học tại Trường Trần Nhân Tông và học thêm tiếng Nhật ngoài trung tâm.
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy việc cân nhắc nguyện vọng của thí sinh là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thi cử còn bao gồm cả yếu tố tâm lý, sức khỏe của thí sinh, sau đó là mức độ khó dễ của đề thi, tỉ lệ chọi vào trường… và cả yếu tố may rủi – không ai nói trước được nên việc đỗ vào trường mình đăng ký đã là một phần thưởng cho những nỗ lực của 9 năm học tập. Có thể nuối tiếc nhưng những giọt nước mắt ấy hãy trở thành động lực để tiếp tục phấn đấu trong ngôi trường mới. Bởi đây mới chỉ là sự khởi đầu của cả một chặng đường dài phía trước.
Nhiều trường không xét tuyển NV3
Báo Đại Đoàn Kết nhận được thắc mắc của phụ huynh Nguyễn Mai (KĐT Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) về việc xét tuyển NV1 và NV2. Cụ thể, con chị được 39,25 điểm, trượt NV1 vào Trường THPT Kim Liên nhưng thừa điểm NV2 vào Trường Việt Nam Ba Lan thì có được xét tuyển luôn trong đợt này hay không?
Theo Ban tuyển sinh Trường THPT Việt Nam Ba Lan (Hà Nội), năm nay nhà trường lấy điểm trúng tuyển NV1 là 37, điểm trúng tuyển NV2 là 38,5. Nhà trường nhận học sinh đăng ký NV1 và NV2 đồng thời trong đợt 1 tuyển sinh theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội. Như vậy, thí sinh được 39,25 điểm đỗ vào trường trong đợt này và cần đến trường xác nhận nhập học trong thời gian từ 20 tới 22-6 theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Nhà trường không tuyển bổ sung đợt 2, không tuyển NV3.
Đây cũng là băn khoăn của một số phụ huynh. Sở GDĐT Hà Nội lưu ý, đối với học sinh đã trúng tuyển NV1, thì không được xét tuyển NV2. Trường hợp học sinh không trúng tuyển NV1, thì được xét đến NV2 với điều kiện phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm. Thời gian đăng ký trúng tuyển của cả hai NV 1 và 2 là cùng lúc.