Thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 18/6, tại TP HCM đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL; lãnh đạo TP HCM, và các đại sứ nước ngoài, các tổ chức Quốc tế cùng đông đảo các nhà khoa học am hiểu về ĐBSCL.
Đánh dấu bước đột phá tư duy
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khu vực ĐBSCL trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể trước mắt và lâu dài. Nghị quyết đánh dấu bước đột phá trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững của ĐBSLC theo hướng tổng thể tích hợp, phát triển kinh tế toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường kết nối phát triển với các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nghị quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và người dân trong vùng.
“Để đẩy mạnh triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, đưa Nghị quyết 120/NQ-CP vào thực tiễn cuộc sống, Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá cụ thể kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại hạn chế, nguyên nhân khách quan, phân tích rõ khó khăn thách thức. Trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách cụ thể để tập trung thực hiện trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tại hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt mức tăng trưởng 7,8% cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước là 7,08%. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD. Du lịch tiếp tục phát triển, năm 2018, ĐBSCL đã đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Nghị quyết 120 đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Đặc biệt, đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng như hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.
Ngoài ra, ông Trần Hồng Hà còn thống kê từ khi Nghị quyết 120 được ban hành đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án hạ tầng tại khu vực này gồm cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ hiệu quả cho vùng ĐBSCL.
Cụ thể hơn, ông Dũng nêu ý kiến cần thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với Chủ tịch hội đồng là Thủ tướng Chính phủ. Thành viên hội đồng gồm lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL và lãnh đạo các bộ ngành trung ương. Hội đồng này có nhiệm vụ chính phối hợp các địa phương để thực hiện quy hoạch vùng, liên kết vùng. Đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Hội đồng này không phải là cơ quan hành chính nên không phát sinh thêm các nguồn chi phí khi làm việc.
Tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đại diện các địa phương vùng ĐBSCL cho biết: “Sau một thời gian triển khai đến nay có thể thấy, các giải pháp Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 120 ngày càng rõ hơn, kể cả danh mục đầu tư, dự án trọng điểm, nguồn vốn. Chỉ có cái thiếu là cam kết về thời gian hoàn thành, vùng đồng bằng rất trăn trở về vấn đề này. Người dân vùng ĐBSCL chúng tôi mong muốn Chính phủ cam kết rõ ràng hơn về tiến độ thực hiện các dự án đó để bớt đi sự chờ đợi, sự nôn nóng”.
Bằng kinh nghiệm thực tế, ông Hoan cho rằng: “Để ĐBSCL phát triển cần có sự cộng hưởng giữa cơ sở hạ tầng hoàn thiện với sự chuyển đổi nền kinh tế cùng sự định hướng xuyên suốt cơ chế, chính sách”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, ĐBSCL phải tận dụng cách mạng 4.0 để ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mô thức sản xuất, sinh kế của người dân. Do đó, cần tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng đánh giá vai trò quan trọng của TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long với kinh tế đất nước. Do đó, đầu tư phát triển 2 vùng kinh tế này chính là đầu tư cho đất nước. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long còn có vai trò đóng góp nguồn lương thực cho thế giới.
Dẫn lại một báo cáo thống kê và chỉ ra thách thức mà TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ đang đối mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nguyên nhân là có tới 1,7 triệu người dân di cư ra khỏi ĐBSCL, trong khi đó chỉ có 700.000 người chuyển tới.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, sinh kế của khoảng 20 triệu người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thử thách lớn. Nếu vượt qua được thì sẽ tạo sức bật tăng trưởng lớn.
“Thiên nhiên ngày càng tàn khốc, nhưng chắc chắn năng lực, hiểu biết và khả năng ứng phó của con người tốt hơn trước kia. Chúng ta không can thiệp thô bạo với tự nhiên nhưng không có nghĩa là cam chịu số phận, sắp đặt của tạo hóa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thành tựu và chúng ta nên tận dụng những thành tựu này để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị để ứng phó biến đổi khí hậu phải huy động triệt để trí tuệ các nhà khoa học, vai trò chính quyền, người dân. Phương châm hành động là Chính phủ thúc đẩy doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. Chính phủ bố trí lại nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực; doanh nghiệp hành động bằng những dự án đầu tư cụ thể.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu thêm để tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp, linh hoạt về chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, vấn đề sử dụng đất, phát triển sản phẩm cây ăn trái, thủy hải sản phải được định hướng phù hợp thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý đến vấn đề ngân sách, các địa phương cần có một khoản dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, cùng với đó Trung ương sẽ có hỗ trợ.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tài chính này để trình cấp thẩm quyền. Theo Thủ tướng, cần đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng TP HCM và khu vực ĐBSCL.