Khi nhân vật của nhà báo là sự tử tế của chính họ!
Có nhiều người, đặc biệt là người trẻ yêu nghề báo và các độc giả lớn tuổi hay trăn trở với nhân tình thế thái, đã hỏi tôi các câu hỏi gần giống nhau: “Nhà báo Hoàng tìm nhân vật ở đâu, mà ra lắm “quái kiệt” xúc động đến thế?”. Tôi trả lời: “Đôi khi, nhân vật nằm chính trong sự tử tế của chúng tôi và của chính quý vị”.
* Ghi theo lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao Động)
Bà Triệu Mùi Chài trước khi được phẫu thuật.
Nghĩa là, khi nhà báo nọ đã có uy tín ở một lĩnh vực nào đó, thì tự nhân vật, vấn đề, sự kiện nó như các vụn sắt bị hút theo “thỏi nam châm - nhà báo” đó. Tự công chúng báo chí tìm đến nhà báo “hiến dâng” sự thật hoặc các bất công và đề nghị nhà báo theo đuổi sự thật hay bất công đó. Tự sự thật ở đời cuốn các nhà báo có lương tâm đi theo nó, một cách tích cực nhất.
Thêm nữa, có rất nhiều “sự kiện” là do nhà báo kiến tạo nên, bằng chính trách nhiệm xã hội của mình. “Cơm có thịt” của nhà báo kỳ cựu Trần Đăng Tuấn là một chương trình lớn và làm thổn thức trái tim của bao nhiêu người. Ông Tuấn làm vì nhân quần, chứ không phải để viết báo hay làm truyền hình, dù ông từng là thầy của nhiều thế hệ làm báo cũng như từng là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Có hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về hành trình của sự tử tế này. Vậy “đề tài” này ra đời từ đâu? Từ cái đầu của nhà báo, nhất là khi nhà báo đó hiểu rằng: thước đo lớn nhất và cao quý nhất cho phẩm cách của họ, chính là việc họ đã làm được gì cho cuộc đời. Tương tự, khi chúng tôi đề nghị có một dự án nhân đạo tài trợ việc mổ tim cho tất cả những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh mà nghèo khó, thì bấy giờ nhà báo chỉ nghĩ đơn giản: nếu cháu bé bị HIV thì khó chữa, bị thiểu năng trí tuệ thì hơi nan giải, nhưng cháu bị lỗi trong quả tim, nếu có vài chục triệu đồng “sửa chữa” là hầu như thoát án tử và khỏe mạnh như người thường. Tại sao vì thiếu vài chục triệu đồng, mà chúng ta để cho các bé thơ đồng loạt từ trần? Đề tài này, với hàng nghìn tác phẩm báo chí liên tiếp, định kỳ về chương trình “Trái tim cho em” sau đó, xuất phát điểm, chúng đã ra đời từ trái tim, khối óc của người cầm bút không vô cảm với đồng bào mình.
Ý tưởng của nhà báo lúc này, như hành động hiệu triệu và lan tỏa cái tốt đẹp; hay bày tỏ trách nhiệm “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” mà các bậc thức giả/ hiền nhân quân tử xưa nay vẫn hằng đeo đẳng. Họ viết bằng cái ý, cái tứ, họ xúc cảm và theo đuổi các vấn đề thời sự dựa trên các sự vật, hiện tượng hay các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội. Tôi luôn ngưỡng mộ những nhà báo như vậy.
Còn một điều cần nhấn mạnh nữa. Với các bài viết, loạt bài viết, các phóng sự rồi phóng sự điều tra mà gây hiệu ứng xã hội lớn nhất của chúng tôi (tôi nhấn mạnh cả team/ nhóm chứ không riêng gì tôi), thì “nhân vật” trong nhiều bài, chính lại là thứ được kiến tạo bởi chính nỗ lực của nhà báo. Một ví dụ nhỏ: chúng ta biết đến bà Triệu Mùi Chài ở Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, từng xôn xao trên báo chí với “danh xưng” đau khổ: “Sơn nữ mặt quỷ”. Bà Chài cùng chị Lý Mùi Xiên và nhiều phụ nữ (không hiểu sao lại toàn là phụ nữ!) khác, khi gương mặt của họ được đăng trên báo, thì bất cứ ai cũng... sững sờ. Rồi ứa lệ. Khi bà Chài rồi chị Xiên ra chợ huyện, thì người ta đến xem, có người bỏ chạy, có người òa khóc vì thương xót cho nhân gian nhiều tụy lụy.
Sau khi được tìm lại gương mặt người, bà Triệu Mùi Chài gặp lại nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại Hà Nội.
Chúng tôi đưa bà Chài về Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương gặp GS.TS.Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Trịnh Định Hải thì nhiều bệnh nhân trông thấy bà Chài đã hoảng hồn bỏ chạy. Dù thương bà cụ và “xả thân” để cứu bà, nhưng tôi vẫn không hề áy náy khi đặt bút gọi bà trên mặt báo là “Sơn nữ mặt quỷ”. Bà xuống núi với gương mặt kỳ dị, mắt nổ tung đỏ đòng đọc máu mủ, mắt bị khối u nặng 5kg đẩy ra xa vị trí vốn có đến hơn 20cm! Khối u “ăn” mất cả mũi và miệng. Chị Lý Mùi Xiên, thì nếu có bộ phim kinh dị nào, đạo diễn cứ chỉ việc bê nguyên gương mặt “tận cùng số phận” đó lên thì khỏi phải hóa trang.
Khi gặp họ, chúng tôi về mô tả, quay phim, chụp ảnh, kể ra nỗi đau, kêu gọi giúp đỡ. Thế là hết chuyện! Đúng vậy không? Có vẻ, theo cách hiểu thông thường là như vậy.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là chúng tôi đã tạo thêm sự kiện cho câu chuyện này, trước hết là để cứu người. Kêu gọi giúp đỡ, xin xe cấp cứu, đưa bà Chài đi khám, quyên góp 450 triệu đồng chuẩn bị chữa trị (nếu y học làm được). Liên lạc với các Giáo sư ở BV Việt Đức và Răng hàm mặt Trung ương. Đưa tin về hội chẩn. Tường thuật vụ phẫu thuật với bệnh nhân đặc biệt và khối u trên mặt chưa từng có trong lịch sử phẫu thuật Việt Nam. Phân tích các kẽ hở trong quản lý y tế thôn bản, phát hiện bệnh lạ và cơ chế đưa các vấn đề đó lên tuyến trên để cứu người. Liên lạc với cơ quan chức năng, quản lý nguồn tiền từ thiện, xây dựng nhà cửa, lập sổ tiết kiệm, chăm sóc hậu phẫu cho người đàn bà tận khổ đó... Tất cả những việc này và nhiều phần việc khác nữa, nó là thứ đến sau, kể từ khi nhà báo gặp nhân vật và tường thuật lại cuộc sống của “sơn nữ mặt quỷ”.
Bộ phim “Tìm lại gương mặt người” (Đài PTTH Cao Bằng) sau đó đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc, đã mô tả từ bước chân đầu tiên của nhà báo đi bộ vào bản làng heo hút với những con người mang bệnh lạ bị kỳ thị, đến lúc bà Chài tỉnh dậy sau ca phẫu thuật 10 tiếng, hình ảnh bà trong các cuộc họp báo lớn, bà có lại được “gương mặt người”, các vị Giáo sư lên thăm và tặng thêm hàng chục triệu đồng để bà Chài và gia đình ổn định cuộc sống. Rà soát lại các bệnh lạ để ngăn ngừa hậu họa.
Giờ xem lại, thì có thể thấy, 90% diễn biến quan trọng của bộ phim (cũng là của hành trình “Tìm lại gương mặt người” của bà Chài) là do nhà báo tạo ra. Cụ thể, sau cuộc gặp đầu tiên kéo dài vài chục phút ở nhà bà Chài trong bản vắng, đoàn nhà báo đã trổ tìm mọi lối đi, mọi ngõ ngách, tận dụng mọi quan hệ của cá nhân và tòa soạn, ngõ hầu tìm lời giải tốt nhất cho các bài toán đau khổ và chết chóc kia. Tức là, rất nhiều khi, bằng nỗ lực của mình, chính nhà báo đã kiến tạo ra phần lớn nội dung các tác phẩm của họ. Họ đã làm tất cả bằng lương tâm của “người trong một nước thì thương nhau cùng” – chứ không chỉ nhiệm vụ cầm cây viết cuốn sổ sáng tạo tác phẩm báo chí theo cách hiểu thông thường.
Vậy nên, đôi khi, nếu chỉ ghi âm, ghi hình, mô tả lại những gì “tôi đi, tôi thấy và tôi viết”, thì nhà báo chỉ hơn cái máy ghi âm, cái máy ảnh hoặc cái điện thoại vừa ghi âm, vừa ghi hình có một chút. Cái quan trọng là ý tưởng dựa trên sự thật đó. Ý tưởng cao quý nhất là ý tưởng về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng. Và kết quả của việc thực hiện các sứ mệnh này, sẽ là thước đo quan trọng nhất cho phẩm cách của người cầm bút ấy.
Tự sự thật ở đời cuốn các nhà báo có lương tâm đi theo nó, một cách tích cực nhất.
Thước đo lớn nhất và cao quý nhất cho phẩm cách của nhà báo, chính là việc họ đã làm được gì cho cuộc đời.